Cũng có thể hắn hay lọ mọ cưa pháo, tháo đạn để đánh cá nên được đặt cái tên này. Sơn lọ ngang tàng nhưng tốt bụng, chỉ cần vài thằng đồng hương Phú Khánh hay Hà Nội từ đơn vị khác qua C5 chơi là bày đặt tiệc rượu ngay. Trong hầm thùng của hắn chồng chất xương khỉ gạc nai, mai rùa bốc mùi khắm khú.. hắn gom góp lại để nấu cao ngâm rượu đãi khách quý. Rượu tự nấu gà tự nuôi nên cuộc sống rất đề huề. Vì C5 gần tiểu đoàn bộ nên có món gì ngon đều gọi chúng tôi qua đánh chén.
Khi đơn vị rút về con suối phum Giềng, Sơn Lọ phát huy được vai trò cải thiện, mùa khô thì săn thú, mùa mưa lập đăng bắt cá. Suối phum Giềng vào mùa mưa, nước ngập tràn bờ, nước nhiều thì cá cũng nhiều. Nhưng suối chảy siết. Hà Săng, Biển Đen và Sơn Bông thích đi câu nhưng số lượng không nhiều lắm, chỉ đủ dùng trong A.
Sơn Lọ nghĩ ra sáng kiến làm đăng rủ thêm Thanh Chè,Toán Con, Tư Rô chặt cây đóng cọc, chẻ tre thưng phên chặn đăng ngang cửa tụ thủy ( tụ thủy là những nhánh nước chảy vào suối ) khi mưa xuống nước suối dềnh lên ngập lút đăng, cá lớn cá bé thỏa sức tung tăng vượt đăng du ngoạn khắp nơi, nước rút, cá lại theo dòng trở về suối bị mắc lại trong đăng nhiều vô kể. Cá suối mùa mưa, toàn cá leo, cá bò béo mẫm, chỉ cần lấy thùng B40 hoặc buộc võng khiêng về. Tha hồ đánh chén lại còn thừa chia phần cho các đơn vị khác.
Một hôm, nghe tiếng lợn kêu thảm thiết, Sơn rủ Toán Con ra kiểm tra, thoạt đầu tưởng lợn mắc bẫy của dân, ai dè đâu một đàn chó sói khoảng hai chục con tấn công một con lợn, nói là sói nhưng chúng nhỏ bằng chó nhà tai to dựng đứng, Sơn dùng khúc gậy lao thẳng tới đàn sói phang tới tấp, đàn sói bị bất ngờ bỏ chạy, để lại con lợn đã mất hết nội tạng. Sơn Lọ cùng Toán khiêng về. Đơn vị được bữa chén túy lúy, hắn cứ tiếc mãi vì không được làm món lòng lợn tiết canh.
Mùa khô suối phum Giềng nước lững lờ trôi, đủ điều kiện để lính đánh cá, Sơn Lọ đứng vào hàng đầu của những thằng đánh cá nổi tiếng của tiểu đoàn. May mà chưa bị cán bộ bắt lần nào, là loại điếc không sợ bộc phá nên cũng đôi ba lần chết hụt. Hắn cầm lựu đạn, rút chốt bật thìa nắm trên tay chờ đến thời điểm sát nút mới thả, quá liều lĩnh. Tôi chứng kiến một hôm đi với hắn, trời nắng trang trang hắn cầm que than châm đầu ngòi dây cháy chậm, rõ ràng tôi nhìn thấy khói và mùi thuốc, hắn khăng khăng nói chưa bén lửa. Tất cả ba bốn người hô lớn:
– Ném ngay.
Nó cuống lên quăng vội xuống nước. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc trên mặt nước, may chỉ là thuốc nổ bộc phá nếu là mìn thì thành mồi tươi cho cá rồi.
Lính cũ chúng tôi rồi cũng phải chia tay đơn vị, năm 1983 tôi ra quân… Vì ngang tàng bướng bỉnh, nên Sơn Lọ, Toán Con ra quân cuối cùng.
Năm năm sau, Sơn lọ ra thủ đô thăm đồng đội, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, thấy đồng đội còn đen đúa hơn cả hồi còn ở đơn vị, tôi nhào tới ôm chầm lấy, rồi cảm động bắt tay, cảm giác bàn tay lợm cợm, thấy mất hai ngón, tôi ngạc nhiên hỏi:
– Làm sao mày mất ngón tay. Tự thương à?
– không! Ra quân tao vẫn nguyên vẹn, về nhà tao cưa đạn nó liếm của tao hai ngón tay phải, hai ngón chân, mảnh còn găm tứ tung quanh người.
– Vậy về nhà lại cưa bom mìn à?
– Ở địa phương tao còn nhiều bom đạn của Mỹ, tao thỉnh thoảng thu gom mảnh đem bán, còn quả đạn nào lành lặn cưa ra lấy thuốc nổ để đánh cá. Từ khi bị tai nạn tao lên núi đốt than cũng sống nhì nhằng đủ tiền nuôi vợ con.
– Trời ạ! Anh hùng lên núi đốt than. Tên là Sơn Lọ, mày vẫn là thằng kiếp nhọ như đít nồi.
Chúng tôi gọi nhau tụ tập liên hoan rồi gom một ít tiền tổng cộng đủ mua một chiếc Hon Da cũ tặng bạn, để bạn về quê hương còn có phương tiện chở hàng. Lính Hà Nội chúng tôi mới về còn nghèo lắm nhưng cố tỏ ra hào phóng với đồng đội, cũng thương thằng bạn sống chết với mình ở chiến trường về quê hương còn khổ cực hơn mình.
Mùa hè năm sau lại thấy Sơn Lọ ngồi lù lù trong nhà Vinh Nam Đồng, nước da vẫn đen đen sậm sì, cửi trần trùng trục ngồi say sưa xem vô tuyến. Lần này lại bị chột một con mắt. Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Sao mất một con mắt vậy? Lại cưa đạn à? Đã có tiền mua xe thì đi chở hàng cũng đủ sống mà.
– Đâu có đồng hương, mình chặt mía thuê, không ngờ dằm mía bắn vào mắt đục thủng con ngươi. Nằm dài ở nhà đói quá, đành bán cái Hon Da lấy tiền chữa chạy, sống qua ngày.
– Mẹ kiếp! Bao năm chiến trường bon mìn không làm rách nổi một tí thịt của mày, mà về nhà sao mày khổ thế Sơn ơi!
Nguyễn Tuấn