Văn hóa Việt Nam

Cổ phục Việt Nam thế kỷ 17 qua những ghi chép của giáo sĩ phương Tây hoạt động tại Đàng Trong

Những ghi chép về cổ phục Việt Nam của giáo sĩ phương Tây hoạt động tại Đàng Trong (1617- 1622) được nhiều học giả đánh giá là nguồn tư liệu tốt nhất mô tả lại tình hình Đàng Trong đầu thế kỷ 17.
1271
Cổ phục Việt Nam thế kỷ 17 qua ghi chép của giáo sĩ phương Tây
Nội dung bài viết

Trong công tác nghiên cứu học thuật nói chung và khảo cứu, phỏng – phục dựng cổ phong nói riêng, việc tiếp cận được với một số lượng tư liệu, hiện vật liên quan tới đối tượng được nghiên cứu là vô cùng quan trọng, bởi càng tham khảo, phân tích nhiều thông tin thì cá nhân hay đơn vị tiến hành nghiên cứu càng có cái nhìn đa chiều và khách quan về đối tượng được nghiên cứu.

Chính vì lý do đó, ngoài các ghi chép, tranh vẽ, tượng, phù điêu, hiện vật, etc. do người Việt xưa cũng như các nước đồng văn thực hiện, chúng tôi còn cố gắng tìm tòi và sử dụng các ghi chép của người phương Tây viết về nước Việt xưa, trong đó có tác phẩm Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (tạm dịch: ‘Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong) của giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri.

Christoforo Borri là một giáo sĩ dòng Tên sinh ra tại Milan; cuối năm 1617- đầu 1618, ông cùng với các đạo hữu xuất phát từ Áo Môn (Macau) tới Hội An để truyền giáo và được biết đến dưới tên gọi “Bruno”. Những ghi chép mà Borri thực hiện trong thời gian ông hoạt động tại xứ Đàng Trong (1617- 1622) được nhiều học giả đánh giá là nguồn tư liệu tốt nhất mô tả lại tình hình Đàng Trong đầu thế kỷ 17.

Trong loạt bài này, chúng tôi sử dụng trực tiếp tài liệu sơ cấp là nội dung của chương 5: “Delle qualità, conditioni, costumi de’ Cocincini, del loro modo di vivere, vestire, e medicarsi” (tạm dịch: Về phẩm chất, tính tình, phong tục của người Đàng Trong, cách sinh hoạt, ăn mặc và y học) thay vì tham khảo các bản dịch hay những bài viết phái sinh từ các bản dịch trên (tài liệu thứ cấp bậc 1, bậc 2,…)

Trang phục của nữ giới

Về chất liệu may trang phục, theo Borri, tất cả đều được may bằng tơ lụa; điều này xét trên thực tế là rất hợp lý bởi dưới sự cai quản của các đời chúa Nguyễn, Hội An là một trong những thương cảng sầm uất nhất khu vực Đông Á, nơi mà cả người Á châu lẫn Âu châu đều đến để buôn bán, góp phần tạo nên điều kiện sống dư dả cho người dân nơi đây.

Về cấu trúc cơ bản của các trang phục cổ Việt Nam, Borri đánh giá cách phụ nữ Đàng Trong ăn mặc là giản dị nhất khu vực, và bất chấp khí hậu nóng bức, họ luôn mặc các bộ quần áo dài phủ kín toàn bộ cơ thể.

Họ mặc tới năm hay sáu váy áo (Usano cinque, o sei vesti), lớp nọ chồng lên lớp kia và tất cả đều có màu sắc khác nhau. Lớp thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là lớp thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng nửa bàn tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế, lớp nọ ngắn hơn cái kia sao cho màu sắc của từng lớp áo đều được phô bày. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. 

Điều đáng nói ở trong đoạn miêu tả này chính là việc tác giả dùng từ “vesti” (dạng số nhiều của từ “veste”). Trong tiếng Ý, “veste” có từ nguyên là từ “vestis” trong tiếng Latin. Cả “vestis” trong tiếng Latin và “veste” trong tiếng Ý đều được dùng để chỉ quần áo, trang phục nói chung, hoặc để chỉ các loại áo may từ khổ vải dài và lớn như toga của người La Mã hay các dạng áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm,… của người Á Đông.

Nhiều bản dịch “vesti” là “váy”, tuy nhiên, điều này là không chính xác bởi khi đối chiếu với các thứ tiếng khác thuộc nhóm ngôn ngữ Rô – man như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,… thì các từ có nghĩa tương đương với “veste” đều có chức năng chỉ cái dạng áo thân dài chứ không hề để gọi sự vật “váy”.

Lớp áo thứ nhất trong mô tả của Borri có thể là thân áo (giao lĩnh, viên lĩnh, khúc lĩnh,…) hoặc cũng thể là chính là “thường”, bởi các lần áo, cũng theo mô tả của Borri, được buộc cố định ở giữa thân và nhiều khả năng, phần đai buộc thường đã bị che mất, và nếu thượng y và thường có cùng màu sắc và chất liệu thì việc Borri cho rằng lần áo thứ nhất là một thứ áo dài chấm đất là hoàn toàn khả thi.

Quá trình phát triển trang phục của nữ giới
Quá trình phát triển trang phục của nữ giới

Hơn nữa, những ghi chép trên của Borri nếu xét kỹ, chúng ta sẽ thấy có sự trùng hợp với nhân vật nữ nhân An Nam Quốc trong bộ tranh Hoàng thanh chức cống đồ” (皇清職貢圖). Bộ tranh này được biên soạn vào năm Càn Long thứ 16 (1751) và hoàn thành vào năm Càn Long thứ 22 (1757). Vậy bức tranh vẽ phụ nữ Đàng Ngoài được thực hiện bởi người Đại Thanh thì có liên quan gì tới trang phục của phụ nữ Đàng Trong đầu thế kỷ 16?

Trang phục của nữ giới với phần dưới là váy nhiều tầng, phần trên gồm nhiều áo. Hoàng Thanh Chức cống đồ vẽ người phụ nữ mặc trang phục gồm nhiều áo giao lĩnh với độ dài khác nhau cũng tạo thành phần dưới có nhiều tầng với hiệu quả tương đương nhưng là loại khác với mô tả trong sách.
Trang phục của nữ giới với phần dưới là váy nhiều tầng, phần trên gồm nhiều áo. Hoàng Thanh Chức cống đồ vẽ người phụ nữ mặc trang phục gồm nhiều áo giao lĩnh với độ dài khác nhau cũng tạo thành phần dưới có nhiều tầng với hiệu quả tương đương nhưng là loại khác với mô tả trong sách.

Cần nhớ rằng, thời điểm Borri thực hiện những ghi chép này cách rất xa thời điểm chúa Nguyễn Phúc Khoát tiến hành cải cách trang phục ở Đàng Trong, hơn nữa, Borri đặt chân tới Việt Nam khi mà thế cục Nam Hà – Bắc Hà mới được hình thành chưa lâu, tuy chúa Nguyễn cố gắng xây dựng chính quyền độc lập tuy nhiên xét về cách ăn mặc, ở giai đoạn đầu thế kỷ 17, trang phục ở hai miền về cơ bản không quá khác biệt.

Xem thêm: Những kiểu trang phục phổ biến trong lịch sử Việt Nam và các nước đồng văn

(Còn tiếp)

Đông Du

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm