Lịch sử thế giới

Đại dịch “cái chết đen” và “hố đen” trong lịch sử nhân loại

"Cái chết đen" (1346 - 1353) là một trong những đại dịch chết chóc và kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại. Khi các nhà sử học thảo luận về bệnh dịch thì đại dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra luôn được đề cập đến đầu tiên.
514
Đại dịch "cái chết đen" và "hố đen" trong lịch sử nhân loại

Những bệnh nhân mắc dịch hạch đầu tiên sẽ cảm thấy đau đớn trải dài khắp cơ thể. Sau đó, họ bắt đầu nổi hạch nhỏ như hạt đậu. Kích thước hạch lớn dần lên, to bằng quả táo và lây lan khắp cơ thể khiến họ ho ra máu. Cuối cùng, người mắc bệnh tử vong.

Đại dịch “Cái Chết Đen”

Trong cuốn sách “Cái Chết Đen, 1346-1353: Lịch sử hoàn chỉnh” (Boydell Press, 2018), Ole Jørgen Benedictow ước tính 50-60% dân số châu Âu bị xóa sổ trong “Cái Chết Đen”, ước tính từ 75 đến 200 triệu người chết, lớn hơn nhiều con số “một phần ba” thường được nhắc đến. Một điều ít được biết đến là căn bệnh tiếp tục tấn công châu Âu, Trung Đông trong 4 đợt dịch tiếp theo (năm 1361–63, 1369–71, 1374–75, 1390, và 1400) và xa hơn trong bốn thế kỷ sau đó khi mà cứ 10 đến 20 năm căn bệnh này lại bùng phát trở lại một lần.

Một sử liệu mô tả: “Tất cả các công dân không còn nhiều việc để làm, ngoại trừ việc mang xác chết đi chôn cất […] Tại mỗi nhà thờ, họ đào những cái hố sâu, những người nghèo đã chết trong đêm được nhanh chóng ném xuống hố. Vào buổi sáng khi số lượng lớn các thi thể lấp đầy trong hố, họ lấy một ít đất phủ lên, sau đó lại tiếp tục những lớp thi thể khác…”

Một sử liệu khác ghi: “Và cũng có những người chỉ được phủ qua loa 1 lớp đất rất mỏng đến nỗi những con chó hoang thường kéo họ ra và nuốt chửng nhiều xác chết trong thành phố”.

Những hố chôn tập thể là chứng tích về đại dịch hạch trong lịch sử
Những hố chôn tập thể là chứng tích về đại dịch hạch trong lịch sử.

Dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Loại vi khuẩn ký sinh trong loài gặm nhấm hoang dã, nơi chúng sống với số lượng và mật độ lớn. Bệnh dịch hạch ở người phát sinh khi loài gặm nhấm trong môi trường sống của con người, thường là chuột đen, bị nhiễm bệnh.

Thông thường, phải mất 10-14 ngày trước khi bệnh dịch hạch giết chết hầu hết một đàn chuột bị nhiễm. Bọ chét tập trung ở những con chuột sắp chết còn lại, sau ba ngày nhịn ăn, chúng tấn công con người. Từ vị trí vết cắn, bệnh lây lan đến một hạch bạch huyết, sưng lên tạo thành bọt khí đau đớn, thường gặp nhất ở háng, trên đùi, ở nách hoặc trên cổ. Do đó có tên là bệnh dịch hạch.

Thời gian ủ bệnh 3-5 ngày. Bệnh lan truyền từ những con chuột ra cộng đồng người mất trung bình 23 ngày trước khi người bệnh đầu tiên chết.

Dịch bệnh lây lan từ những con chuột này sang đàn chuột khác trong địa phương và von người nhiễm vi khuẩn do bị bọ chét cắn hoặc do chạm vào các động vật đã nhiễm bệnh. Trong đa số trường hợp không lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, mà là do bọ chét di chuyển từ người bệnh sang người khỏe và cắn người này. Phải mất một thời gian để mọi người nhận ra rằng một dịch bệnh khủng khiếp đã bùng phát trong âm thầm và các nhà sử học có thể ghi nhận được điều này. Thời gian cũng khác nhau: ở nông thôn mất khoảng 40 ngày để nhận ra; ở thị trấn với vài nghìn dân là 6-7 tuần; tại các thành phố hơn 10.000 cư dân là khoảng 7 tuần và trong một vài đô thị với hơn 100.000 dân thì nhiều nhất là 8 tuần.

Bệnh dịch hạch đã gây ra sự lây lan khủng khiếp chủ yếu bởi bọ chét và chuột trên những con tàu. Những con chuột bị nhiễm bệnh sẽ chết, nhưng bọ chét trên cơ thể của chúng thường sống sót và tìm thấy những con chuột mới ở bất cứ nơi nào chúng hạ cánh.

Đại dịch hạch lây lan khủng khiếp chủ yếu bởi bọ chét và chuột trên những con tàu
Đại dịch hạch lây lan khủng khiếp chủ yếu bởi bọ chét và chuột trên những con tàu.

Nguồn gốc của “Cái Chết Đen”

Lịch sử thế giới ghi nhận rất nhiều quan điểm về nguồn gốc của đại dịch hạch. Người ta từng nghĩ rằng “Cái Chết Đen” bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy nó bắt đầu vào mùa Xuân năm 1346 ở vùng đồng hoang, bờ Tây Bắc biển Capsi vào phía Nam nước Nga, nhưng có thể nó đã bắt đầu từ nhiều thập kỉ trước ở Cao nguyên Thanh Tạng của Trung Á. Dịch bệnh bắt đầu với một cuộc tấn công mà người Mông Cổ đã phát động trên trạm buôn bán cuối cùng của người Italy trong khu vực, Kaffa ở Crimea. Vào mùa Thu năm 1346, bệnh dịch hạch bùng phát giữa những kẻ bao vây và từ đó xâm nhập vào thị trấn. Khi mùa xuân đến, người Italy đã chạy trốn trên tàu của họ, mang theo “Cái Chết Đen” đi cùng.

Theo nhà sử học Benedictow, tên gọi “Cái Chết Đen” thật ra là một cách hiểu chưa chính xác, có lẽ do người ta dịch nhầm cụm từ tiếng La-tinh “atra mors” vì nó vừa có nghĩa là “đen” vừa có nghĩa là “khủng khiếp”, chứ không hề có mối tương quan nào giữa tên gọi “Cái Chết Đen” với các triệu chứng của căn bệnh.

Ghi chép đầu tiên về sự xuất hiện của căn bệnh này ở châu Âu là vào năm 1347 tại thành phố Caffa trên bán đảo Krym. Trong cuộc vây hãm kéo dài tại đây, quân đội Mông Cổ do Jani Beg chỉ huy đã mắc dịch hạch và họ quyết định dùng máy bắn đá ném các xác chết nhiễm bệnh vào thành phố để gây bệnh cho dân trong thành. Các nhà buôn Genova ở đây sau khi thoát ra đã mang theo luôn căn bệnh về đảo Sicilia và khu vực Nam Âu, nơi dịch hạch bắt đầu thực sự thành đại dịch. Bệnh dịch hạch đã lan đến châu Âu vào tháng 10 năm 1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia. Mọi người có mặt ở bến cảng lúc đó đã gặp phải một điều kinh hoàng: hầu hết các thủy thủ trên những con tàu này đều đã chết, những người còn sống thì cũng đang bị bệnh nặng, toàn thân bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ. Chính quyền Sicilia đã nhanh chóng ra lệnh đưa hạm đội chết chóc này ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn. 5 năm tiếp theo, dịch hạch hoành hành và giết chết hơn 20 triệu người châu Âu. 2/3 số người bệnh thiệt mạng chỉ trong vòng 4 ngày.

Một giả thuyết khác lại cho rằng về nguồn gốc của đại dịch hạch, rằng “Cái Chết Đen” bắt nguồn từ Trung Quốc hoặc Trung Á cụ thể là từ phổi loài macmot châu Mỹ rồi truyền tới chuột thông qua bọ chét và cuối cùng tới con người. Trong khoảng cuối thập niên 1320 hoặc thập niên 1330, các thương gia và binh lính đã mang căn bệnh này tới bán đảo Krym ở Đông Nam Âu theo con đường tơ lụa. Một số nhà khoa học lại đưa ra giả thuyết rằng đại dịch bùng nổ ở chính khu vực này. Trong cả 2 trường hợp thì dịch hạch đều đã từ Krym lan đi khắp Bắc Âu, Tây Âu và Bắc Phi trong thập niên 1340.

Tạm gác một bên độ chính xác của giả thuyết này thì cũng phải thừa nhận rằng các điều kiện có sẵn như chiến tranh, nạn đói và thời tiết đã khiến đại dịch dịch hạch càng trở nên khủng khiếp. Tại Trung Quốc, cuộc tấn công nhà Tống của quân đội Mông Cổ đã làm gián đoạn nền nông nghiệp và thương nghiệp ở khu vực này, dẫn tới nạn đói lan rộng cùng với dịch bệnh đã làm dân số giảm từ khoảng 120 triệu xuống còn chừng 60 triệu người. Ước tính đã cướp đi mạng sống của ít nhất 1/3 dân số Trung Quốc.

Tại châu Âu, Thời kỳ Trung cổ kết thúc vào khoảng cuối thế kỷ XIII đã kéo theo 1 giai đoạn lạnh giá được coi là “giai đoạn Tiểu Băng hà” với những mùa đông kéo dài ảnh hưởng trực tiếp tới mùa màng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới Nạn đói lớn 1315-1317 ở Tây Bắc Âu, một lý do khác được coi là tác nhân của nạn đói này là sự bùng nổ dân số trong thế kỷ XIII, dân số tăng nhanh khiến cho vào đầu thế kỷ XIV nền nông nghiệp ở đây đã không còn đáp ứng được đủ nhu cầu lương thực của dân số. Hầu như tất cả các loại lương thực chính đều không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, kéo theo đó là tình trạng suy dinh dưỡng và giảm sức đề kháng, điều kiện lý tưởng để bệnh dịch lây lan. Hậu quả tất yếu là mức sống của người dân châu Âu ngày càng sút giảm trong khi các vấn đề về sức khỏe ngày càng gia tăng.

Tại rất nhiều thành phố đông dân, tỷ lệ thiệt mạng đã vượt quá 50% dân số. Khoảng một nửa dân số Paris, tức 100.000 người, đã thiệt mạng vì Cái Chết Đen, đại dịch cũng khiến dân số thành phố Firenze ở Ý giảm từ chừng 120.000 người xuống còn 50.000 người, ít nhất 60% dân số các thành phố Hamburg và Bremen đã thiệt mạng. So với khu vực thành phố thì người dân sống ở những vùng hẻo lánh lại chịu thiệt hại ít hơn, các tu viện và giới tăng lữ lại chịu thiệt hại đặc biệt nặng nề vì họ thường là người đứng ra chăm sóc các bệnh nhân của “Cái Chết Đen”. Đứng trước thảm họa này, chính phủ các nước châu Âu đã không đưa ra nổi 1 biện pháp đối phó nào vì họ không thể hiểu nổi nguyên nhân hoặc tìm ra cách thức lây lan của đại dịch.

Năm 1348, “Cái Chết Đen” lây lan nhanh tới mức giới cầm quyền và các bác sĩ không còn đủ thời gian để tìm hiểu bản chất của đại dịch. Họ thậm chí đã bế tắc tới mắc quay sang đặt giả thuyết rằng đại dịch này do các thế lực siêu nhiên, động đất hoặc do việc người Do Thái đầu độc nguồn nước.Kết quả là cộng động người Do Thái ở châu Âu đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công, ví dụ tháng 8/1349 cộng đồng người Do Thái ở Mainz và Köln đã bị tiêu diệt, tháng 2 cùng năm đó, những kẻ theo chủ nghĩa Vô Thần đã giết 2.000 người Do Thái ở Strasbourg. Tổng cộng cho tới năm 1351 đã có 60 cộng đồng lớn và 150 cộng đồng nhỏ của người Do Thái đã bị tàn sát và phá hủy.

Bác sĩ dịch hạch và sự ra đời của “bộ đồ Quạ Đen”

Sau giai đoạn đỉnh điểm ở thế kỷ 14, “Cái Chết Đen” của căn bệnh dịch hạch vẫn nhiều lần bùng phát và tiếp tục ám ảnh châu Âu qua hàng trăm năm. Lục địa già bao trùm trong bi thương và sợ hãi, ám ảnh về cái chết. Xác người nằm la liệt trên đường, chồng chất lên nhau. Khả năng lây lan với tốc độ chóng mặt cùng sự nguy hiểm của dịch bệnh khiến đội ngũ y bác sĩ thời kỳ ấy đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả. Đội ngũ bác sĩ chữa dịch xuất hiện từ thế kỷ 14, nhưng mãi đến năm 1619, Charles de l’Orme – bác sĩ chính của ba vị vua Pháp là Henri IV, Louis XIII và Louis XIV – mới phát minh ra bộ đồ bác sĩ bệnh dịch hạch và nó nhanh chóng trở thành một biểu tượng của giai đoạn này. Đó là bộ đồ với chiếc mặt nạ hình mỏ chim. Bộ đồ bảo hộ của các bác sĩ sẽ gồm mũ rộng vành, mặt nạ có kính và phần mũi kéo dài.

Bác sĩ đại dịch hạch
Bác sĩ đại dịch hạch.
Mặt nạ mỏ chim
Chiếc mặt nạ hình mỏ chim.

Người thời đó tin rằng không khí làm lây lan bệnh nên để giảm sốc mùi, các bác sĩ thường đặt ở bên trong phần mỏ những chất khử mùi mạnh hoặc thảo dược, cỏ hoa có mùi thơm như bạc hà, cánh hoa hồng. Bộ áo choàng dài kín mít từ đầu xuống chân sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc da thịt của bác sĩ với người bệnh. Toàn thân bác sĩ và bộ quần áo cũng được bôi mỡ động vật trước khi đến gặp bệnh nhân. Cây gậy gỗ dài được bác sĩ mang theo phục vụ cho một loạt chức năng. Ví dụ như dùng gậy để kiểm tra bệnh nhân của mình mà không cần tiếp xúc với người đó.

Bác sĩ dịch hạch với bộ đồ
Hình tượng bác sĩ dịch hạch với bộ đồ “quạ đen” kín mít từ đầu tới chân.

Theo nhiều ghi chép lịch sử, chiếc mặt nạ mỏ chim mang ý nghĩa đặc biệt. Một bộ phận dân chúng khi đó tin rằng những con chim đã mang bệnh tật đến cho con người, nên khi bác sĩ đến thăm bệnh thì mầm bệnh từ bệnh nhân sẽ “nhảy sang” bộ quần áo đó.

Về lý thuyết, nhiệm vụ chính của một bác sĩ bệnh dịch hạch là điều trị và chữa trị cho các nạn nhân của bệnh dịch và chôn cất người chết. Họ chịu trách nhiệm kiểm đếm số lượng thương vong trong sổ ghi chép cho hồ sơ công khai, và ghi lại những mong muốn cuối cùng của bệnh nhân. Các bác sĩ bệnh dịch hạch thường được mời làm chứng và công bố ​​di chúc của người bệnh. Đôi khi các bác sĩ thậm chí còn được yêu cầu tiến hành khám nghiệm tử thi để hiểu rõ hơn về bệnh dịch hạch có thể được điều trị như thế nào.

Những năm tháng “Cái Chết Đen” bao trùm châu Âu thế kỷ 17, hình ảnh bác sĩ khoác bộ đồ đen cùng chiếc mặt nạ mỏ chim đi ngang qua nhà đã khiến bao người ám ảnh sợ hãi, hệt như trông thấy sứ giả thần chết. Bởi khi ấy người ta hiểu, dịch bệnh ở rất gần và có thể bản thân sẽ là người tiếp theo.

Tổng kết

“Cái Chết Đen” vào thế kỷ XIV là một “hố đen” trong lịch sử nhân loại. Nó đã làm thay đổi về cơ bản cấu trúc xã hội châu Âu, một số giả thuyết cho rằng nó chính là một cú đấm mạnh vào Nhà thờ Công giáo đồng thời gây ra làn sóng diệt trừ và đào thải các nhóm dân thiểu số ở châu Âu như người Do Thái. Hậu quả của thảm họa diễn ra trên nhiều mặt đời sống xã hội. Sự chấm dứt chiến tranh và sự sụt giảm đột ngột trong thương mại ngay lập tức theo sau nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn là việc giảm mạnh diện tích đất canh tác, do cái chết của rất nhiều người lao động.

Hiệu ứng tâm lý của “Cái Chết Đen” được phản ánh ở phía Bắc dãy Alps khi cái chết và thế giới bên kia thường xuyên xuất hiện trong thơ ca, điêu khắc và hội họa. Chủ nghĩa bài trừ Do Thái tăng cường mạnh mẽ trên khắp châu Âu khi người Do Thái bị đổ lỗi cho sự lây lan của đại dịch. Một làn sóng bạo lực dữ dội xảy ra sau đó. Nhiều cộng đồng Do Thái bị giết hại.

Đại dịch hạch London năm 1665 là đợt bùng phát lớn cuối cùng ở Anh và bệnh dịch hạch dường như cũng biến mất khỏi vùng đất Tây Ban Nha và Đức sau thế kỷ 17. Bệnh dịch hạch ở Brussilles, Pháp, vào năm 1720-1721 được coi là đợt dịch hạch lớn cuối cùng ở Tây Âu. Ước tính châu Âu đã phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch, sau này dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ XIX. 

Kể từ khi đại dịch lần thứ 3 bùng phát cho đến nay, nhiều phương pháp y khoa tiên tiến đã giúp con người vơi bớt nỗi ám ảnh với căn bệnh này. Điều rõ ràng là trong bốn thế kỷ giữa “Cái Chết Đen” và sự biến mất của bệnh dịch hạch từ châu Âu, các bác sĩ đã làm việc không mệt mỏi để giải thích, kiềm chế và điều trị căn bệnh đáng sợ này. So với các bệnh khác, số người tử vong vì đại dịch hạch ngày càng giảm. Với sự phát triển của y học, bệnh nhân có thể điều trị dịch hạch bằng thuốc kháng sinh. 

—————————————

Bài viết được dịch thuật, chọn lọc và tổng hợp bởi Lê Tiến Nguyên từ Wikipedia; 24h; msn; zingnews; tuoitre; En-Wkipedia; vtc; vnexpress; vinmec; lostbird.

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm