Giữa năm1979, Đại đội 6 đóng quân gần tiểu đoàn bộ D8 chỉ cách nhau có một nương sắn. Lúc nhàn rỗi tôi thường hay sang C6 chơi với Dương Khỉ, tôi rất thân với Dương Khỉ, Dương là đồng hương cùng ngày nhập ngũ với tôi. Hồi còn ở biên giới việt miên, đi đánh vận động không may Dương dẫm phải bàn chông của địch, mất sức chiến đấu, nên tạm làm anh nuôi.
Anh Tô Văn Than từ E95 mới chuyển về làm đại phó C6, môi đỏ như con gái, anh để bộ ria con kiến rất điệu đà như Rhett Butler trong bộ phim cuốn theo chiều gió, anh đẹp trai vui tính, hay lao động, anh thường làm cùng với lính nên ai ai cũng mến anh. Tôi biết anh vào một buổi sáng tại nhà bếp đại đội, anh sắn quần quá đầu gối đang nhào đất cùng với Dương Khỉ đắp một lò nướng bánh mỳ.
Dương ngày xưa đã từng là thợ làm bánh mỳ, nên xin đề đạt với ban chỉ huy đại đội, được anh Than ủng hộ nhiệt tình, nên chính trị viên Nguyễn Xuân Trường đồng ý ngay tức khắc. Nay lò bánh mỳ đã hoạt động, Dương ủ men nặn, nướng tạo ra những mẻ bánh mỳ vỏ vàng ươm, giòn tan thơm phức.
Duy nhất chỉ có lính C6 được thưởng thức bánh mỳ, thỉnh thoảng anh gửi bánh mỳ về ban chỉ huy tiểu đoàn, biếu các thủ trưởng. Bọ Lực thích lắm ông nói :“Bao năm làm lính sao toàn phải ăn bẻng hấp, mỗi đơn vị cần phải có một lò bánh mỳ ngay”.
Nhưng đâu có được như ý muốn, là lính bộ binh di chuyển doanh trại liên tục, chẳng khi nào ở được lâu dài, ý tưởng làm lò bánh mỳ không thể thực hiện được. C6 lên San Kda, rồi lại lên AnLong Veng.
Khi đóng quân độc lập bên Đồi Tròn cùng với C14, Anh Than được giữ chức Đại Đội Trưởng thay cho anh Hiên về quân khu đi học. Anh Than vẫn vui vẻ nhiệt tình ,anh đưa ra nhiều sáng kiến trong phòng thủ cũng như tấn công rất hiệu quả, nên C6 dù ở một nơi độc lập cách xa tiểu đoàn 15 km, bị địch bao vây tứ phía, số lượng mìn địch cài như mạng nhện vậy mà quân số thương vong của C6 ít nhất tiểu đoàn.
Tôi là người phối thuộc cùng với C6 nhiều lần, nên quen biết rất nhiều lính C6, từ cán bộ đại đội đến những tân binh trẻ măng vừa được bổ xung về đơn vị, họ là những luồng gió mới xua tan cái không khí ngột ngạt đầy khốc liệt của chiến trường.
Một hôm đơn vị đi truy quét gần doanh trại dẫn thêm một số tân binh đi cùng để quen dần với chiến trận, anh Than trực tiếp chỉ huy, lúc này ta chủ động gặp địch nổ súng, các tân binh nghe tiếng súng nổ đồng loạt chúi đầu vào các bụi rậm và gốc cây. Riêng có một tân binh vẫn lao lên nổ súng cùng với các lính cựu, vì ham bắn quá đạp phải rễ cây mục lăn quay xuống lòng suối vẫn bóp cò, đạn bay lên trời lá cây bay lả tả. Sau khi ngớt tiếng súng, anh Than quay lại hỏi người tân binh :
– Cậu tên gì? Bao nhiêu tuổi? Ở huyện nào?
– Dạ em tên Nguyễn Thủy, hai mươi tuổi, em ở Quế Sơn Quảng nam – Đà Nẵng ạ.
– Lần đầu đánh đấm như vậy là được rồi, dần dần học hỏi thêm những kỹ năng chiến đấu của các lính cũ em nhé.
Anh không phê bình các tân binh nhút nhát, anh nói: “Lính mới thằng nào chẳng sợ tiếng súng, rồi dần dần sẽ quen”.
Anh cũng không biểu dương để lên giây cót tinh thần như những cán bộ khác, chỉ với lời nói rất đời thường, thân thương như anh cả đông viên đàn em nhưng đã khích lệ cho đám tân binh cùng trưởng thành và dày dạn hơn. Cũng từ đó Thủy nhanh chóng trở thành người lính thiện chiến, được chỉ huy đại đội cất nhắc lên A trưởng khi chưa đầy nửa năm tuổi quân.
Tôi rất thân với Thủy. Thủy rất hay làm thơ, những vần thơ đằm thắm không bi lụy, nét chữ đẹp bay bướm, tôi hay vẽ trên trang nhật ký của Thủy. Một hôm tôi đang vẽ cho Thủy một bức hình cô gái trẻ đang áp má bên cây súng, đó là minh họa cho một bài thơ hay của Thủy thì anh Than đi ngang qua, anh ngắm nghía bức tranh một lúc rồi quay về nhà lấy ngay cuốn sổ tay nhờ tôi vẽ một anh bộ đội, anh bảo :
– Tùy em, em cứ vẽ theo cảm xúc, cứ nghĩ sao vẽ vậy.
Trong một đêm tôi hoàn thành bức tranh, một anh lính chiến đang nấp mình dưới một cây khộp già khẳng khiu trụi lá, tay cầm chắc cây súng trong tư thế chiến đấu. Được tô màu bằng ba màu chủ đạo là thuốc đỏ, mực xanh cửu long và màu vàng của củ nghệ già. Anh xem đi xem lại rất ưng ý, nhưng nhận xét thì ngược lại, khiến cho tôi hụt hẫng :
– Vẽ như vậy là được rồi, đẹp rồi, nhưng không đúng ý của anh. Là thằng lính chiến chẳng ai thích mình lúc nào cũng lăm lăm khẩu súng trên tay. Anh chỉ muốn có một bức tranh, một người lính ngồi bên gốc thốt nốt quay mặt về hướng đông, hướng của việt nam với tâm trạng luôn nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Đó mới đúng bức tranh anh cần.
Tôi ngầm hiểu anh muốn vẽ thêm một bức nữa:
– Anh khôn quá thôi! Như vậy điềm nhiên anh có được hai bức tranh của em rồi nhé.
Anh cười khà khà :
– Anh mày ăn cơm lính cũng đã từng gần mười năm mà không khôn hơn chú sao? Yên tâm vẽ xong sẽ có một món quà đặc biệt tặng chú được chưa?
Hôm sau bức tranh “lính nhớ nhà” được hoàn thành, anh lại chê :
– .. lính gì mà béo tốt vậy, lại sạch sẽ và đẹp trai quá không phải lính chiến rồi.
Tôi quá ngán ngẩm :
– Anh mà cứ chê mãi, em không vẽ nữa đâu.
Anh cười khà khà rồi dúi vào tay tôi một túi vải đựng vật gì đó bằng kim loại :
– Đây! trả công cho họa sỹ, cái này cả tiểu đoàn chưa ai có đâu nhé!
Hóa ra là bộ ngăn nước mưa thay cọc phụ bằng nhôm của anh tự thiết kế. Khi đi truy quét mắc võng gần anh tôi thường hay ngắm nhìn bộ nhôm ngăn nước mưa này của anh, nó nhỏ nhắn vuông vức được anh Đúc bằn vỏ đạn M79 rồi mài giũa cầu kỳ. Đó là hai cục nhôm có móc hai đầu, ở giữa hai móc là một mặt phẳng vuông ngăn nước chảy vào võng, khi tháo lắp cực kỳ nhanh gọn.
Từ lúc có món quà của anh, khi đi rừng vào mùa mưa, tôi không còn phải mất công chặt cọc phụ như trước đây nữa. Anh nói, khi nào về nơi yên ổn sẽ làm thật nhiều, phát cho mỗi lính một bộ để khỏi phải lo nước mưa chảy vào võng.
Cuộc chiến trên Anlong veng rồi cũng đến ngày kết thúc. Toàn tiểu đoàn rút về suối phum giềng.
Đại đội 6 lại đóng gần sát tiểu đoàn bộ. Cuộc sống của lính thảnh thơi, tiếng súng cũng giảm dần, chúng tôi được hưởng những ngày yên ả. Sư đoàn tổ chức chiếu phim về tận tiểu đoàn, ban văn nghệ trung đoàn lập sân khấu ca hát cho lính thưởng thức.
Tôi hay sang bên C6 chơi với Thủy, anh Than thường gọi tôi vào nhà rót nước hỏi chuyện. Anh cùng Tôi ôn lại những lần đồng cam cộng khổ trên vùng đất Anlung. Anh hay nói: “Số anh em mình hên thật, vẫy vùng 2 năm trời quanh cái đồi tròn đầy mìn , anh lo cho mày nhất đấy! bây giờ đỡ khổ hơn rồi”.
Một sáng, các cán bộ đại đội về tiểu đoàn họp giao ban, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Bách nhắc nhở, địch đã đánh hơi đến tiểu đoàn 8, mấy đêm nay chúng đã lùa từng đàn trâu bò vượt qua hàng rào vào các đại đội. Chúng đang thăm dò xem ta có cài mìn không, các đại đội cần phải tăng cường cảnh giác hơn.
Các cán bộ đại đội trở về triển khai kiểm tra phòng thủ, tổ chức đi tuần ngay trong ngày. Các lính thông tin, tinh sát, vận tải đang ráo riết tập trung vót chông để cắm xung quanh doanh trại thì đột nhiên bên doanh trại C6 có tiếng mìn nổ, một tiếng mìn đơn độc khô khốc, không tiếng súng bắn trả, một lúc sau chuông điện thoại của tiểu đoàn vang lên, báo cáo C6 có chuyện chẳng lành.
Anh Tô Văn Than khi đi kiểm tra hàng rào phòng thủ, bị vướng mìn hi sinh, chúng tôi sững sờ, một người cán bộ của đại đội 6 chủ công, của tiểu đoàn 8 chủ công trong trung đoàn 29, anh đã từng xông pha những nơi hiểm nguy nhất, chỉ huy không biết bao nhiêu trận đánh, bảo đảm an toàn cho tính mạng của từng người lính trong đại đội.
Vậy mà về đây, một nơi yên bình nhất anh đã hi sinh. Bao nhiêu dự định của anh đành bỏ lại, chúng tôi mất đi một người anh, một đồng đội vui tính, thông minh. Vĩnh biệt anh.
Nguyễn Tuấn