Lịch sử Việt Nam

Giới trẻ có thờ ơ với lịch sử nước nhà?

Một thế hệ trẻ không hề thờ ơ và luôn day dứt với lịch sử dân tộc, lời "cầu cứu" cho một môn học luôn bị đánh giá là "môn phụ", chưa bao giờ được đánh giá đúng vị thế.
1104
Giới trẻ có thờ ơ với lịch sử nước nhà?

Cách đây 7 năm, lần đầu tiên mình đọc hết bộ Đại Việt sử ký toàn thư được mượn từ thư viện sách của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, mình run hết cả chân tay và chửi thề: Tam Quốc Diễn Nghĩa? Hán Sở tranh hùng? Thủy Hử? Cho hỏi cái tuổi luôn. Rồi từ cảm hứng đọc bộ Đại Việt sử ký toàn thư, mình có tìm đọc thêm cả Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và khá nhiều tư liệu lịch sử Việt Nam khác, thậm chí có cả những tư liệu từ các học giả nước ngoài.

Có một nghịch lý mà nhiều người Việt gật gù đồng ý, rằng nhiều người Việt thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam. Rồi người ta có thể kể tên thông thao thứ tự các triều đại Trung Quốc từ thời Tống đến hiện tại, biết rõ tiểu sử những anh hùng của Trung Quốc như Hạng Vũ, Hàn Tín, Tần Quỳnh… Tóm tắt đầy đủ Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngũ Đại Thập Quốc, Thủy Hử… Nhưng khi nhắc đến lịch sử Việt Nam, thì lại: “Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em” hoặc “Lê Lợi là cha của Lê Lai”.

Rồi một bi kịch mà bao nhiêu năm qua chẳng thể giải thích và khắc phục được, đó là điểm thi môn Lịch sử trong các kì thi THPT quốc gia luôn luôn thấp, thậm chí thấp nhất trong tất cả các môn. Cả giáo viên, học sinh đều có một phản ứng là “sợ” môn Lịch sử. Nhưng mình nghĩ, “sợ” môn Lịch sử không có nghĩa là thờ ơ, sợ hãi với lịch sử nước nhà, đó là hai khái niệm không giống nhau.

Hơn chục năm trước và cả đến thời điểm hiện tại, trong xã hội và cả trong nhà trường, đã tồn tại quan điểm rằng: Lịch sử là môn phụ và chỉ cần học thuộc lòng. Cách đây hơn chục năm, thậm chí nhiều đứa bạn của mình, vốn cũng theo khối C, cũng suy nghĩ y chang như vậy.

Với quan điểm như thế, nhiều thế hệ học sinh, có cả những học sinh theo khối C (Văn, Sử, Địa) mà không hề có đam mê  với lịch sử, học dưới định kiến coi Lịch sử là môn phụ, học với tâm thế học thuộc lòng, nhìn về môn Lịch sử với góc nhìn “môn phụ” và không quan trọng. Chính mình, cũng đã từng bị cô giáo chủ nhiệm hồi lớp 9 nói rằng: Địa Lý và Lịch Sử là môn phụ, học tốt mấy môn đó không có nghĩa là một học sinh thông minh.

Rồi khi điểm thi môn Lịch sử thấp, thì cả xã hội lại chửi vấy những đứa trẻ là ngu dốt, là vô trách nhiệm với môn Lịch Sử và thờ ơ với lịch sử nước nhà. Liệu có công bằng với người trẻ không?

Nếu người trẻ thờ ơ với lịch sử dân tộc, thì tất cả những gì liên quan đến phạm trù “lịch sử dân tộc” đều sẽ bị ngó lơ mới phải. Nhưng không, thử đối chiếu với một cách “học Lịch sử qua mạng”, hãy vào Youtube, đánh các cụm từ khóa “Chiến tranh Mông Nguyên”“Quang Trung đại phá quân Thanh”“Chiến dịch Hồ Chí Minh tóm tắt”, sẽ thấy xuất hiện rất nhiều các đoạn phim của các đơn vị tư nhân có lượng xem rất lớn, thu hút hàng ngàn bình luận trao đổi.

Nhiều người đặt ra chung một vấn đề: Tại sao không đưa những đoạn phim như này, hoặc nếu sợ sai thông tin thì tại sao Bộ Giáo Dục không đặt làm, có kiểm chứng thông tin để đưa vào giảng dạy? Hiện nay, cơ sở vật chất cơ bản của nhiều trường học đã khá hơn xưa, smartphone, 4G, Internet phổ biến rất mạnh mẽ, việc áp dụng những dạng thức bài giảng như vậy, mình nghĩ hoàn toàn khả thi đó chứ.

Lịch sử là môn học rất hay ho, dạy cho chúng ta nhiều điều, bản chất lịch sử có nhiều tình tiết rất hấp dẫn, đặc biệt với lịch sử Việt Nam – lịch sử của một quốc gia có lịch sử vệ quốc vĩ đại mà khi lật bất cứ trang sách nào cũng thấy có những cuộc đấu tranh.

Lịch sử hiện tại, được dạy bằng cách “nhồi” vào đầu người trẻ và “bắt ép” chúng phải nhớ. Trong bất kỳ một hình thức dạy học nào, việc “nhồi” hay “bắt ép” đều là một hình thức không đúng đắn. Lịch sử là một môn học rất màu sắc, sinh động nhưng người ta lại biến Lịch sử thành một môn học “đơn sắc”, giáo điều, học theo “barem”.

“Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép…Sử”

Tối hôm qua, mình có lướt qua một vài nhà sách ở Hà Nội để mua đủ bộ ba quyển sách giáo khoa lịch sử bậc THPT, mình đã trải qua hơn chục năm không cầm vào mấy quyển sách lịch sử ấy. Hơn chục năm là một quãng thời gian dài, hàng triệu học sinh đã học và thấu hiểu lịch sử dân tộc qua những cuốn sách ấy, nhưng thú thực là mình khá là thất vọng, vì vẫn chẳng có bất cứ một chút thay đổi gì so với những cuốn sách hồi trước mà mình từng học, hoặc là có những thay đổi quá nhỏ khiến mình không nhận ra. Chính mình cũng cảm thấy sợ, khi đã trải qua hơn một thập kỷ mà những cuốn sách cơ bản nằm lòng của hàng triệu học sinh vẫn… như thế.

Dòng chữ “Tái bản lần thứ…” đầy vô hồn.

Trên không gian mạng, có rất nhiều thông tin độc hại, bị bóp méo, trong khi những thông tin lịch sử đúng đắn, chính diện thì lại được “đạo diễn” bởi những người không chuyên – những người làm việc vì niềm yêu thích lịch sử, hoặc vì tiền quảng cáo của Youtube, nhưng rõ ràng nhìn số lượng xem lớn ấy, cùng không khí thảo luận trên đó, các nhà hoạch địch chính sách, người ở trên, các thầy cô giáo và cả chúng ta nữa, cùng cần nhìn lại. 

Trong lúc ấy, thì người có trách nhiệm ở trên vẫn đang mải mê tìm lối thoát cho môn lịch sử ở những trang sách khô khan và đổ lỗi cho người trẻ – những người sống ở một thời đại khác, có những góc nhìn khác và cần một điều gì khác với hồi xưa. Thế hệ 8x khác với thế hệ 9x, thế hệ 9x lại càng khác với thế hệ 0x, rồi sắp tới thế hệ 1x lại tiếp tục học chung quyển sách với thế hệ 9x, rõ ràng, mỗi thế hệ đều sống trong một “bối cảnh lịch sử” khác nhau. 

Đừng có cái kiểu: “Thế hệ bọn tao thế này, thế hệ bọn mày phải thế”.

Trong một clip tranh luận phản biện tại Trường Teen đã thu hút gần 2 triệu lượt xem, đó một con số rất lớn, cho thấy người trẻ không hề thờ ơ với lịch sử dân tộc. Mình nghĩ, những gì Minh Anh đã nói, cũng đã nói thay tiếng nói cho rất nhiều người trẻ, trong đó có cả mình nữa.

Trường Teen – Học sinh không chán lịch sử dân tộc.

Một thế hệ trẻ không hề thờ ơ và luôn day dứt với lịch sử dân tộc, lời “cầu cứu” cho một môn học luôn bị đánh giá là “môn phụ”, chưa bao giờ được đánh giá đúng vị thế. Một môn học chỉ dành cho những “con ong chăm chỉ”, chỉ cần học thuộc hay dành cho những người “cần cù bù thông minh”.

Tifosi

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm