Bên cạnh việc làm vua của xứ mặt trời mọc thì ông còn nghiên cứu sinh học biển và viết sách về sinh học hải dương. Ông chủ yếu nghiên cứu về Hydrozoa, một lớp động vật không xương sống có họ hàng với sứa và san hô. Khi xuất bản các công trình nghiên cứu, ông dùng tên huý (tên thật) của mình là Hirohito (裕仁). Hoàng cung Nhật Bản có hẳn một phòng thí nghiệm cho nhà vua nghiên cứu khoa học.
Hirohito cũng là Thiên hoàng trị vì lâu nhất trong số 126 vị Thiên hoàng đã và đang trị vì. Khi trị vì, Thiên hoàng Hirohito lấy niên hiệu Showa (昭和, Chiêu Hoà), rút từ sách Thượng thư, phần Nghiêu điển: “Bách tính Chiêu minh, hiệp Hoà vạn bang” (百姓昭明,協和萬邦) nghĩa là “Trăm họ được soi sáng, hoà hợp với muôn nước”. Khi phụ hoàng là Thiên hoàng Taisho (huý là Yoshihito) còn tại vị, Hirohito từng làm Nhiếp chính do cha ông bị nhiều bệnh về thần kinh. Năm 1945, ông tuyên bố Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh sau khi thua trận trong Thế chiến II.
Sau cuộc chiến, vị nguyên thủ Nhật Bản đóng vai trò là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết của dân tộc ông, cũng như là vai trò lễ nghi, cùng công việc nghiên cứu khoa học hăng say, tỉ mỉ. Vị Thiên hoàng này cũng tích cực đi thăm thú khắp nơi trong nước để khảo sát công cuộc tái thiết đất nước mặt trời mọc thời hậu chiến và được nhân dân Nhật kính nể.
Công cuộc tái thiết này đã đưa Nhật phát triển thần kỳ về khoa học kỹ thuật và kinh tế, trở thành một trong các cường quốc của thế giới khiến các nước kinh ngạc. Báo chí được phép chụp hình nhà vua, và họ đã mô tả ông là một vị quân chủ gần gũi, nồng ấm và yêu thích cuộc sống giản dị đời thường. Hirohito cũng là Thiên hoàng đầu tiên của Nhật đi công du nước ngoài, góp phần cải thiện hình ảnh của Nhật Bản đối với thế giới.
Thiên hoàng Showa có 7 người con, trong đó có 2 trai là Thượng hoàng Akihito và Thân vương Masahito (cũng là một nhà khoa học nghiên cứu ung thư), và 5 con gái là các cựu Nội thân vương Shigeko, Sachiko (chết yểu khi mới được vài tháng tuổi), Atsuko và Takako. Từ năm 1947, theo luật mới, các Hoàng nữ sau khi lấy chồng phải rời khỏi Hoàng gia và trở thành thường dân. (Nội thân vương/Naishinno 內親王 là tước vị cho con gái và cháu gái nội của Thiên hoàng, có từ thời Nara (710 – 794), tương tự chắt và chút nữ của Thiên hoàng mà ông nội, ông cố của họ là Thân vương thì sẽ là Nữ vương/Joo 女王).
Sau khi qua đời, thuỵ hiệu (tên được đặt sau khi mất) của Thiên hoàng Hirohito được đặt theo niên hiệu Showa của ông, và từ đó người Nhật sẽ gọi ông là Thiên hoàng Showa (昭和天皇, Showa Tenno, tức Thiên hoàng Chiêu Hoà). Trước khi lên ngôi, ông được gọi theo phong hiệu của mình là Michi-no-miya (迪宮), khi đang trị vì thì ông được gọi là Kim thượng Thiên hoàng (今上天皇, Kinjo Tenno, tức đương kim Thiên hoàng) hay Thiên hoàng bệ hạ (天皇陛下, Tennō Heika), trong khi nước ngoài vẫn có thể gọi ông là Hirohito. Người hiện được gọi là Kim thượng Thiên hoàng là cháu nội ông, đương kim Thiên hoàng Naruhito với niên hiệu Reiwa (令和, Lệnh Hoà).
Song Thanh Nguyen
————————–
Tư liệu: Getty Image/Asahi Shimbun, Pinterest, Britanica Encycopedia, World Hydrozoa Database, marinespecies