Văn hóa thế giới

Sự sụp đổ của nền văn minh thời kỳ Đồ Đồng

Sự sụp đổ của các nền văn minh thời kỳ đồ Đồng là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử Thế Giới. Từ bán đảo Hy Lạp đến lưu vực sông Nile, từ Tiểu Á đến vùng Lưỡng Hà từng tồn tại những nền văn minh lớn đầu tiên của Thế Giới, những nền văn minh đã xây những kỳ quan như Tượng Nhân sư, Kim Tự tháp, cung điện Knossos. Nhưng chỉ trong vài chục năm những nền văn minh này gần như đều biến mất.
503
Sự sụp đổ của nền văn minh thời kỳ Đồ Đồng

1. Các nền văn minh thời kỳ đồ đồng ở khu vực Biển Aegean

Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều di chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1200 BCE đến năm 1150 BCE cho thấy những thành phố bị phá hủy hàng loạt, theo sau giai đoạn này là một thời kỳ đen tối kéo dài 500 năm. Các văn bản ghi chép, chứ viết gần như biến mất, việc xây dựng cũng bị đình trệ. Chính vì lý do này, không ai biết chắc điều gì đã xảy ra với những nền văn minh từng 1 thời thống trị khu vực.

Để tìm hiểu lịch sử về sự sụp đổ của các nền văn minh này trước tiên chúng ta phải nhắc đến những “siêu cường” trong khu vực. Vào năm 1200 đã có một số thành thị và vương quốc xuất hiện bên bờ biển Đông Bắc Phi, Tiểu Á và Hy Lạp. Đầu tiên chúng ta phải kể đến:

1.1 Ai Cập Cổ Đại

Ai Cập là một trong những nền văn minh hùng mạnh nhất trong khu vực thời kỳ Đồ Đồng với sự giàu có và văn hóa vượt qua tất cả các vương quốc khác cùng thời đại. Đạt được điều này là do Ai Cập có trong tay những lợi thế đáng kể:

– Đầu tiên phải kể đến sông Nile, vào thời kỳ Đồ Đồng, Ai Cập là một trong những vùng đất trù phú bậc nhất trên thế giới, sông Nile có chu kỳ lũ cố định, đem đến cho lưu vực của nó nguồn khoáng chất dồi dào giúp nền nông nghiệp của Ai Cập sản lượng ngũ cốc lớn. Nhờ sản lượng nông nghiệp dồi dào giúp Ai Cập đủ khả năng mở những tuyến đường thương mại dài, cung cấp cho những đội quân lớn và xây dựng một hệ thống quản trị phức tạp. Sông Nile cũng đóng vai trò là một tuyến đường giao thông quan trọng, do hầu hết các thành phố của Ai Cập Cổ Đại đều nằm trên lưu vực sông Nile. Dòng sông này giúp việc vận chuyển hàng hóa, quân đội và thông tin liên lạc trở nên rất thuận tiện.

– Lợi thế tiếp theo của Ai Cập là vàng. Tại phía Nam vùng đất Kush là nguồn cung cấp tưởng như vô tận thứ kim loại quý hiếm này. Không có nền văn minh nào trong khu vực có thể tiếp cận với nhiều vàng như vậy. Các sản phẩm bằng vàng từ Hy Lạp là báu vật của thời đại. Với sự giàu có của mình, lãnh thổ Ai Cập Cổ Đại thậm chí còn rộng lớn hơn so với Ai Cập ngày nay, Nó kiểm soát 1 diện tích lớn từ Sinai đến giáp với Tiểu Á. Điều đó khiến họ xung đột với “tay chơi” thứ 2 trong khu vực.

Ai Cập là một trong những nền văn minh hùng mạnh nhất trong khu vực thời kỳ Đồ Đồng
Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh hùng mạnh nhất trong khu vực thời kỳ Đồ Đồng.

1.2. Đế chế Hitties

Đến thời điểm này, Đế chế Hitties kiểm soát phần lớn Tiểu Á, họ là một xã hội quân sự hùng mạnh dựa trên 2 lợi thế chính: Đồng và Thiếc. Hai thứ kim loại tạo nên văn minh thời kỳ Đồ Đồng.

– Đồng: Họ có thể khai thác Đồng từ các mỏ ở Đảo Sip – gần như là nguồn duy nhất sản xuất Đồng trong khu vực, đây là “đặc sản” của nền thương mại Hitties.

– Thiếc: Đây là loại kim loại tương đối hiếm tại khu vực này, xét về độ hiếm, nó có thể đc coi như là Uranium thời hiện đại. Các nhà khảo cổ tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy khu vực này có thể tự sản xuất Thiếc, chỉ có 1 số cơ sở ở Kestel (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Nếu đúng thì đây là cơ sở sản xuất Thiếc duy nhất trong toàn bộ khu vực. Kết hợp với việc nhập khẩu Thiếc qua buôn bán với người Assyrian và từ Châu Âu, giúp người Hitties độc quyền cung cấp thiếc cho toàn bộ khu vực.

Người Hitties là một trong số ít những thế lực có thể đương đầu với Ai Cập Cổ Đại. Thực tế, hiếp ướng hòa bình đầu tiên được ký kết giữa Ai Cập Cổ Đại và người Hitties chỉ một thời gian ngắn trước khi sự sụp đổ bắt đầu…. Có thể là do họ phải chịu sự đe dọa từ một thế lực khác.

Đế chế Hitties

1.3. Đế chế Assyria

Người Assyria tồn tại thêm 100 năm sau sự sụp đổ của các nền văn minh khác. Vai trò của họ giống như một quả cân, để cân bằng cán cân quyền lực với các đế chế khác trong khu vực. Nằm sâu trong vùng xa mạc Ả Rập, người Assyria thiếu những tuyến đường thương mại bên bờ biển Địa Trung Hải, do vậy họ thường bị kéo về phía Tây và tham gia vào những cuộc xung đột với người Ai Cập và người Hitties.

Ashurbanipal - vị vua vĩ đại cuối cùng của Đế quốc Assyria
Ashurbanipal – vị vua vĩ đại cuối cùng của Đế quốc Assyria.

1.4. Người Mycenaean

Thế lực lớn còn lại của thời kỳ này kiểm soát phía nam bán đảo Hy Lạp và đảo Crete, có thể coi đây là phiên bản Alpha của nền văn minh Hy Lạp sau này. Họ là những người đi biển lão luyện, kiểm soát những tuyến đường buôn bán rộng lớn, kéo dài khắp khu vực. Họ cũng nổi tiếng với việc chế tạo, nhập nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm, họ có thể xây dựng những công trình gần như pháo đài đầu tiên ở Châu Âu, nổi tiếng với những công trình phức tạp và đường xá…. Nhưng cuối cùng, giống như những nền văn minh khác, người Mycenean cũng không thể thoát khỏi tai họa.

Thế lực lớn còn lại của thời kỳ này kiểm soát phía nam bán đảo Hy Lạp và đảo Crete
Thế lực lớn còn lại của thời kỳ này kiểm soát phía nam bán đảo Hy Lạp và đảo Crete.

2. Các yếu tố tạo nên văn minh thời kỳ đồ đồng

Những đặc điểm vượt trội của nền văn minh thời kỳ đồ Đồng để thấy sự ưu việt của nó so với các thời kỳ trước và sau đó, cũng như để thấy được tại sao những đặc điểm này cũng tiềm ẩn nguy cơ cho các nền văn minh trong khu vực. Sự tiến bộ về công nghệ, năng lực tổ chức và sự sáng tạo ra chữ viết giúp các nền văn minh tổ chức những xã hội phức tạp và hiệu quả hơn, điều này dẫn đến sự ổn định, phát triển, cơ cấu xã hội phức tạp tạo ra nhiều cơ hội cho sự đột phá. Nhưng vấn đề không phải luôn luôn là như vậy.

Văn minh thời kỳ đồ đồng đem lại những yếu tố phát triển vượt trội có thể kể đến nhau sau:

2.1. Hệ thống thương mại

Văn minh đồ đồng phụ thuộc vào việc phát hiện và sử dụng hợp kim Đồng (bronze), Hợp kim này được tạo thành từ đồng (cooper) và thiếc (tin). Căn cứ vào các dữ liệu khảo cổ, các nền văn minh ở khu vực Aegean đều chỉ có khả năng tiếp cận tư nhiên với 1 trong 2 kim loại trên. Có nghĩa là để duy trì sự tồn tại của mình, các nền văn minh này buộc phải trao đổi, buôn bán. Đây là một hệ thống thương mại hoàn chỉnh, dần mở rộng ra với tất cả các sản phẩm và nguyên liệu có trong khu vực. Điều này giúp các nền văn minh có khả năng tiếp cận với nhiều sản phẩm từ những vùng khác nhau tạo ra sự sung túc và giàu có không đâu so sánh được (trừ Trung Quốc).

Nhưng giống như một chiếc tháp gỗ, chỉ cần bị rút đi vài thanh gỗ, cả chiếc tháp sẽ sụp đổ. Hệ thống thương mại này sẽ không thể hoạt động nếu bỗng nhiên bị mất một vài tuyến đường thương mại chính.

2.2. Quân đội

Để bảo vệ lãnh thổ của mình, các đế chế đã xây dựng những đội quân hùng hậu. Nổi bật trong thời kỳ này là những chiến binh cưỡi chiến xa được trang bị giáp và vũ khí đồng. Lực lượng này có thể so sánh với các hiệp sỹ thời Trung Cổ, mạnh mẽ, đầy uy lực và…..rất tốn kém. Mất nhiều thời gian để huấn luyện một người thành thạo chiến đấu trên chiến xa. Sản xuất và trang bị cho chiến xa cũng vô cùng tốn kém, chưa kể đến việc bảo trì, bảo dưỡng. Nếu như mất một số lượng lớn chiến binh này trên chiến trường, các nền văn minh cần rất nhiều thời gian để bù đắp tổn thất. Hoặc nếu nền kinh tế bị suy giảm, các nền văn minh này cũng không thể duy trì quân đội của mình nữa. Điều gì sẽ xảy ra nếu đúng lúc này họ đối mặt với mối đe dọa từ bên ngoài?

Những chiến binh cưỡi chiến xa được trang bị giáp và vũ khí đồng
Những chiến binh cưỡi chiến xa được trang bị giáp và vũ khí đồng.

2.3. Tổ chức Nhà nước

Các nền văn minh thời kỳ đồ đồng đã có một hệ thống quản trị nhà nước tương đối phức tạp. Hình thức chủ yếu là quản lý tập trung với mức độ còn lớn hơn bất cứ vương quốc nào tại châu Âu thời Trung Cổ. Mọi hoạt động đều được ghi chép và quản lý, bao gồm cả nông nghiệp, sản xuất và thương mại. Để làm được điều này, một tầng lớp mới ra đời, được học hành, biết đọc biết viết, giữ sổ sách và tham gia hoạt động quản lý. Có thể coi họ là những người nắm giữ chìa khóa của nền văn minh. Để đào tạo 1 người biết đọc biết viết, cần rất nhiều thời gian và công sức, chính vì vậy, đọc và viết thường là đặc quyền của 1 tầng lớp nhất định và số lượng của họ là không nhiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu những người này đột ngột biến mất?

Các nền văn minh thời kỳ đồ đồng đã có một hệ thống quản trị nhà nước tương đối phức tạp
Các nền văn minh thời kỳ đồ đồng đã có một hệ thống quản trị nhà nước tương đối phức tạp.

2.4. Nông nghiệp và dân số

Nông nghiệp thời kỳ đồ Đồng phát triển mạnh trên lưu vực các con sông màu mỡ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, con người sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn như vậy. Họ cũng sáng tạo ra hệ thống thủy lợi với mục đích duy nhất là nâng cao sản lượng nông nghiệp. Với sản lượng lớn hơn, các nền văn minh thời kỳ này có thể nuôi sống lượng dân số đông hơn, duy trì lực lượng quân sự lớn hơn và hỗ trợ một hệ thống tổ chức xã hội phức tạp hơn. Điều này mở ra nhiều khả năng mới, những ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp sẽ phát triển tạo điều kiện cho hoạt động thương mại cũng như việc phát triển văn hóa. Kết quả dẫn tới việc bùng nổ dân số và điều thường thấy là trong xã hội xuất hiện một lượng lớn người không sản xuất lương thực.

Khi điều gì đó xảy ra khiến sản lượng lương thực sút giảm, các nền văn minh này mất khả năng duy trì xã hội ở quy mô thường thấy, và rạn nứt sẽ nảy sinh. Việc bùng nổ dân số cũng sẽ dần dần khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp không thể theo kịp và kết quả cuối cùng sẽ là sự tan vỡ của cấu trúc xã hội.

Rõ ràng các nền văn minh trong thời kỳ đồ Đồng đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, nhưng yếu tố kể trên tạo thành những mắt xích quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của các nền văn minh trong thời kỳ này. Nhưng chính những yếu tố này cũng tạo ra những nguy cơ ngày càng lớn hơn khi bất cứ một mắt xích nào bị phá hỏng cũng có nguy cơ khiến cả nền văn minh sụp đổ.

Nông nghiệp thời kỳ đồ Đồng phát triển mạnh trên lưu vực các con sông màu mỡ
Nông nghiệp thời kỳ đồ Đồng phát triển mạnh trên lưu vực các con sông màu mỡ.

3. Sự sụp đổ bắt đầu và giả thuyết về các nguyên nhân

Trong khu vực khảo cổ tại Syria, bên bờ địa trung hải, nơi từng là thành phố Ugarit, một vương quốc thịnh vượng cuối thời kỳ đồ Đồng, các nhà khảo cổ tìm được 1 bức thư được khắc trên đất nung có nội dung như sau: “Gửi cha, chiến thuyền của kẻ địch đã tới, thành phố đang bị đốt phá và kẻ thù đang làm những điều khủng khiếp với đất nước của con. Quân đội và chiến xa của con đang ở Hatti, chiến thuyền của con đang ở Lukka, đất nước của con đang bị bỏ mặc…”. Bức thư này không bao giờ đc gửi đi, nó được tìm thấy trong lò nung, xung quanh là phế tích của Thành phố Ugarit, bị phá hủy hoàn toàn, cùng với dấu tích của những mũi tên đến từ vùng đất khác. Đây là 1 trong những bản ghi chép ít ỏi miêu tả một thế giới đang sụp đổ.

Chính vì không có nhiều dữ liệu còn lưu lại về sự kiện này, các nhà sử học hiện đại chỉ có thể phỏng đoán về những nguyên nhân đã dẫn đến sự sụp đổ của các vương quốc đồ đồng quanh khu vực Aegean:

3.1. Hải Nhân (Sea People)

Một trong những câu truyện nổi tiếng nhất nói về cuộc khủng hoảng này có lẽ là câu chuyện về Hải Nhân (Sea People). Những kẻ cướp bí ẩn, đột ngột xuất hiện từ biển khơi, họ cướp bóc, đốt phá, rồi đột ngột biến mất. Hầu hết tài liệu ghi chép về những con người này là của Ai Cập, về cơ bản là câu truyện về người Ai Cập đã chiến thắng những kẻ xâm lược man rợ này trong khi những vương quốc khác thì thất bại. Nhưng bao nhiêu phần trăm trong những ghi chép đó là sự thật, vì chúng ta biết rằng, những toán Hải Nhân đã không bị chặn đứng, vì nếu họ bị chặn đứng, nền văn minh đồ đồng tại Aegean sẽ tiếp tục tồn tại.

Vậy những người Hải Nhân này là ai? Các nhà sử học giả thuyết rằng, Hải Nhân là tập hợp của ít nhất là 9 bộ lạc/nhóm người khác nhau tạo ra nhiều làn sóng Hải Nhân trong giai đoạn này. Có giả thuyết cho rằng Hải Nhân có sự tham gia của những người đã định cư tại khu vực, thuyết khác cho rằng trong số đó có cả lính đánh thuê và những người nổi loạn. Dù sao đi nữa chúng ta cũng phải tìm hiểu xem sự kiện này là nguồn gốc dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh trong khu vực Aegean hay chỉ là triệu chứng của cơn khủng hoảng.

Hải Nhân (Sea People) - Những kẻ cướp bí ẩn, đột ngột xuất hiện từ biển khơi, họ cướp bóc, đốt phá, rồi đột ngột biến mất
Hải Nhân (Sea People) – Những kẻ cướp bí ẩn, đột ngột xuất hiện từ biển khơi, họ cướp bóc, đốt phá, rồi đột ngột biến mất.

Để hiểu được điều này chúng ta sẽ đi phân tích 2 giả thuyết:

– Giả thuyết 1: Hải nhân hoàn toàn là những bộ tộc đến từ bên ngoài khu vực: Trong trường hợp này, điều gì đó xảy ra đã khiến những người này rời bỏ quê hương của họ để di cư hàng loạt đến những vùng đất mới (trong ghi chép của người Ai Cập về Hải Nhân có thể thấy trong đoàn người này có cả phụ nữ và trẻ em). Sự kiện Hải Nhân chỉ có thể là một hiệu ứng tác động vào sự sụp đổ của thời kỳ này. Tai họa nào đó đã khiến họ phải di cư, và tấn công những vương quốc văn minh hơn. Và điều gì đó đã xảy ra ở những vương quốc này khiến chúng bị suy yếu đến mức không thể chống lại những kẻ xâm lược.

– Giả thuyết 2: Hải nhân bao gồm cả những cộng đồng bên trong các vương quốc vùng Aegean, trong trường hợp này chúng ta phải tự hỏi, điều gì đã khiến họ nổi dậy? Những vương quốc đã tồn tại hàng nghìn năm một cách khá ổn định, nếu mọi thứ tiếp tục vận hành như bình thường, không có vấn đề xảy ra thì tại sao họ lại nổi loạn? Hoặc là những vương quốc này đã bị suy yếu đến mức không thể kiểm soát xã hội hoặc là điều kiện sống của người dân đã tệ đến mức họ không còn lựa chọn nào khác. Dù là lý do gì thì nó cũng gợi ý rằng có những tai họa khác xảy ra thúc đẩy người dân chống lại chính phủ của họ.

– Bonus: Còn một giả thuyết khác cho rằng Hải Nhân tấn công các vương quốc Aegean bằng vũ khí sắt, ưu thế về công nghệ này giúp họ dễ dàng đánh bại các nền văn minh trong khu vực. Nhưng với khả năng đo độ tuổi của mẫu vật khảo cổ ngày càng phát triển, giả thiết này nhiều khả năng là không đúng. Dù cuối thời kỳ đồ đồng đã bắt đầu xuất hiện một số công cụ bằng sắt, nhưng số lượng của chúng quá ít. và phải 300 năm sau, công cụ bằng sắt mới bắt đầu được phổ biến. Do vậy ít có khả năng Hải Nhân có thể tiếp cận với loại vũ khí này.

Invasions of the Sea Peoples: Egypt & The Late Bronze Age Collapse

Vậy còn những nguyên nhân nào khác có thể dẫn đến sự sụp đổ?

3.2. Tai họa tự nhiên

Tai họa tự nhiên luôn luôn xảy ra và chúng có khả năng tàn phá khá lớn. Có những bằng chứng cho thấy thảm họa tự nhiên đã xảy ra ngay trước khi sự sụp đổ bắt đầu, nhưng những thảm họa như vậy vẫn xảy ra suốt lịch sử loài người. Căn cứ vào các bằng chứng khảo cổ, điều thường thấy khi con người đối diện với thảm họa tự nhiên là họ sẽ đợi cho thảm họa qua đi sau đó xây dựng lại những gì bị phá hủy. Trong trường hợp của các nền văn minh đồ đồng, điều này đã không xảy ra. Những thành phố bị bỏ hoang, người dân từ bỏ bờ biển và tìm đến khu vực vùng núi, những nơi dễ phòng thủ xây dựng những cộng đồng nhỏ, đơn độc. Điều gì đó đã khiến con người thời kỳ này từ bỏ các thành phố và tìm đến những khu vực xa xôi, héo lánh hơn. Có vẻ như họ sợ Hải Nhân hơn là thảm họa tự nhiên, và cũng có vẻ như họ không còn khả năng xây dựng lại thành phố của mình.

Như vậy có thể tai họa tự nhiên có thể không phải là nguyên nhân cho sự sụp đổ.

3.3. Dịch bệnh

Dịch bệnh có tác động rất lớn đến cộng đồng, xã hội và có những bằng chứng cho thấy dịch bệnh đã hoành hành trong khu vực vào giai đoạn này nhưng có vẻ như chúng là 1 trong những hậu quả của sự sụp đổ, chứ không phải là nguyên nhân, xảy ra sau khi các nền văn minh đã sụp đổ và làm trầm trọng thêm tình hình.

Điều đó có nghĩa là chỉ còn 1 nguyên nhân cuối cùng.

3.4. Nạn đói

Một thời gian ngắn trước cơn khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh đồ đồng, các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về sự biến đổi khí hậu gây tác động tiêu cực đến hoạt động nông nghiệp, không chỉ tại khu vực Địa Trung Hải mà còn trên khắp thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc. Cũng có bằng chứng về những đợt hạn hán kéo dài tại khu vực, nếu là chính xác, điều này có thể lý giải hầu hết các sự kiện trong giai đoạn lịch sử này.

Khí hậu thay đổi, hạn hán gây ra mất mùa liên tục => khiến con người phải di cư => khiến họ xung đột với người dân sống ở vùng khác. Thiếu hụt lương thực và di cư hàng loạt khiến bệnh dịch dễ phát sinh. Mất mùa cũng làm giảm thu nhập của các vương quốc khiến sức mạnh quân sự của họ bị yếu đi. Thiếu nguồn lực khiến các thành phố không được xây dựng lại sau khi bị phá hủy, nhất là khi vùng đất xung quanh đã không còn sử dụng được nữa. Đói kém, dịch bệnh, và mức sống suy giảm khiến người dân nổi dậy. Những giả thuyết này hiện nay vẫn còn đang gây tranh cãi trong giới sử học và cho dù giả thuyết về nạn đói là đúng thì tại sao sự sụp đổ này lại toàn diện đến vậy? Tại sao người dân khu vực này lại mất tới 5 thế kỷ tiếp theo để thoát khỏi thời kỳ tăm tối mà sự sụp đổ này mang lại? Phần tiếp theo chúng ta sẽ giải quyết câu hỏi này bằng cách phân tích giả thuyết về “Sự sụp đổ hệ thống”.

4. Sự sụp đổ hệ thống

Ở phần trên chúng ta đã tìm hiểu các nguyên nhân có thể dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh đồ đồng tại khu vực Aegean. Vì không có nhiều ghi chép còn sót lại về thời kỳ này, nên chúng ta sẽ tiến hành phỏng đoán về một loạt các sự kiện đã xả ra đã khiên các nền văn minh từng tồn tại hàng nghìn năm đột nhiên biến mất.

Đầu tiên có thể là nạn đói. Sự khai thác quá mức đất nông nghiệp trong khi không có các công nghệ cần thiết để bảo toàn chất lượng đất khiến sản lượng nông nghiệp sụt giảm dần dần mỗi năm. Sự biến đổi khí hậu khiến hạn hán, thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, khi sản lượng lương thực không đáp ứng đc nhu cầu của dân số, nạn đói xảy ra. Có thể đầu tiên, nạn đói xuất hiện ở những khu vực khác…có thể là ở châu Âu, khiến người dân từ những vùng đất này di cư về những khu vực màu mỡ hơn. Những người di cư thường có xu hướng xung đột với dân bản địa, khiến bạo lực và nạn cướp bóc xẩy ra thường xuyên hơn.

Trong khi đó, tại các nền văn minh Aegean, sản lượng lương thực giảm sút, mất mùa và sự suy giảm về điều kiện sống khiến người dân bất mãn với Chính Quyền. Việc gia tăng nạn cướp biển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các tuyến đường buôn bán khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Các kho lương thực dần dần bị cạn kiệt, bất ổn xảy ra khắp nơi.

Nền văn minh Myceanean bị tấn công bới những kẻ lạ mặt có số lượng kinh khủng, từng thành phố một bỗng nhiên mất liên lạc. Làn sóng người tị nạn tràn về Tiểu Á, Syria và Ai Cập, mang theo tin đồn về những toán cướp lạ mặt và cả bệnh dịch đem đến sự hỗn loạn. Đế chế Hittie tập trung các cơ sở sản xuất của họ tại đảo Síp và sản xuất vũ khí ngày đêm, chuẩn bị cho tai họa sắp ấp tới. Nhưng sau đó lệnh di tản được ban ra, các cơ sở sản xuất bị bỏ hoang, vũ khí bị chôn dấu và kế hoạch đc lập ra để quay lại thu thập số vũ khí này…nhưng chẳng có ai quay lại cả. Có thể, trong nội bộ đế chế xảy ra vấn đề gì đó khiến nhà cầm quyền phải cấp tốc triệu hồi quân đội quay trở về để bảo vệ lãnh thổ Hittie.

Đúng lúc này, những làn sóng Sea people ập tới, đội quân của các vương quốc ngay lập tức được huy động, nhưng đây không phải là kiểu chiến tranh mà họ đã quen thuộc. Những đội quân chiến xa là những lực lượng đắt tiền, họ chỉ được sử dụng trong các trận đánh quy ước, triển khai 1-2 lần/năm. Trong khi các trận đánh với người Sea people tưởng như không bao giờ kết thúc, số lượng của họ tưởng như vô tận. Các lực lượng chiến xa chịu tổn thất lớn không kịp phục hồi, nhất là trong tình trạng các tuyến thương mại bị phá hỏng và thiếu hụt nguồn lực. Các vương quốc nhỏ lâm vào cảnh hỗn loạn và cầu cứu khắp nơi nhưng không được đáp lại, tất cả đều có rắc rối riêng của mình.

Khi các thành phố thương mại bị cướp phá, các tuyến đường buôn bán bị đình trệ, hệ thống thương mại kết nối các nền văn minh này bắt đầu tan rã và cuối cùng là sụp đổ hoàn toàn, năng lực sản xuất suy giảm rồi ngừng hẳn. Người dân từ bỏ các thành phố ven biển và tìm đến khu vực đồi núi, các sản phẩm mất đi độ tịnh xảo, trở nên thô thiển và thực dụng hơn. Tầng lớp quý tộc, giáo sĩ, những người nắm trong tay chìa khóa của nền văn minh phần lớn đã chết trong cơn hỗn loạn. Không còn ai quản lý và vận hành xã hội, các cộng đồng dân cư lớn không thể tập hợp mà bị phân chia thành những công đồng nhỏ hơn, ly tán và tách biệt.

Không còn ai biết đọc biết viết, các giá trị của những nền văn minh này cũng dần dần biến mất.

Cho đến khi các thành phố hoàn toàn bị phá hủy, không còn gì để cướp bóc. Người Sea people cũng rời đi, nhanh như khi họ đến. Hầu hết các nền vương quốc bị hủy diệt hoàn toàn. Ai Cập và Assyria do vị trí địa lý hoặc do năng lực quản lý tốt, đã không hoàn toàn sụp đổ, nhưng do những vương quốc khác đã không còn, hệ thống thương mại mà bấy lâu nay họ dựa vào đã tan rã, nên cả 2 đế chế đều nhanh chóng bước vào thời kỳ suy tàn của mình.

Các thành phố thương mại bị phá hủy hoàn toàn
Các thành phố thương mại bị phá hủy hoàn toàn.

Để trả lời câu hỏi tại sao các nền văn minh thời kỳ đồ Đồng lại có thể sụp đổ một cách toàn diện và nhanh chóng như vậy trong khi chúng đáng lẽ phải là những xã hôi ổn định và có khả năng chống chịu tốt nhất trong thời đại đó, chúng ta có thể sử dụng đến lý thuyết về “Sụp đổ hệ thống”.

“Sự sụp đổ hệ thống” là sự sụp đổ xảy ra khi nền văn minh có trình độ và hệ thống tổ chức quản lý phức tạp, chi phí và nguồn lực để duy trì hệ thống và các thành phần của hệ thống này dần dần vượt qua giá trị mà chúng mang lại, cho đến khi chi phí cho mỗi thành phần trở nên quá nặng nề đến mức cả hệ thống không thể kham được: Có thể hiểu rằng, trong các xã hội văn minh, để giải quyết vấn đề, chúng ta sẽ tạo ra cơ chế mới để giải quyết vấn đề đó. Ví dụ như khi chúng ta muốn giải quyết vấn đề nguồn nước cho thành phố, chúng ta sẽ xây dựng hệ thống cung cấp nước. Giờ đây chúng ta phải bỏ chi phí và nguồn lực để xây dựng hệ thống cấp nước, chi phí bảo trì, sửa chữa, chi phí cho người vận hành. Và cơ chế mới cũng đem đến những vấn đề mới mà chúng ta cần phải tiếp tục xử lý…… Thông thường, chi phí cho những cơ chế này sẽ được bù đắp bằng mức độ hiệu quả, mức độ hiệu quả này có thể đạt được bằng công nghệ mới, quy trình làm việc tốt…… Cứ như vậy, mỗi vấn đề nảy sinh sẽ được xử lý bằng những cơ chế khác nhau được hỗ trợ bởi công nghệ và năng lực quản lý để tiếp tục đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Cho đến khi hệ thống này không còn hiệu quả nữa…

Có 2 kiểu sụp đổ dành cho những hệ thống phức tạp như thế này:

– Kiểu 1: Giống như vấn đề của đế chế La Mã, để phát triển, đế chế phải mở rộng, để hỗ trợ dân số lớn hơn và thu thập tài nguyên từ những vùng đất mới. Tuy nhiên để giữ những vùng đất mới, người La Mã phải xây dựng các cơ sở và lực lượng đồn trú để giữ những vùng đất này, chưa kể phải thường xuyên chiến đấu với các lực lượng xâm lược. Cuối cùng, giá trị mà những vùng đất này mang lại trở nên quá nhỏ so với chi phí mà La Mã phải bỏ ra để giữ chúng. Nhưng La Mã đã quá phụ thuộc và tài nguyên và nguồn lực mà những vùng đất này đem lại đến mức không thể từ bỏ. Dần dần việc này tạo ra cơn khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của đế chế La Mã. Đây là kiểu sụp đổ chậm.

– Kiểu 2: Giống như những nền văn minh đồ đồng tại Aegean, khi một loạt các tai họa giáng xuống cùng lúc, các thành phần của hệ thống quản trị phức tạp mà các nền văn minh này đang sử dụng bị tổn thương nặng nề, nhưng các thành phần này đã được kết nối với nhau một cách quá chặt chẽ, khiến việc hy sinh bất cứ phần nào của hệ thống cũng khiến cho cả hệ thống sụp đổ.
 
Khi các nền văn minh có hệ thống quản lý quá phức tạp, các thành phần của hệ thống này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, chỉ một thành phần bị tổn thương cũng dẫn đến nguy hiểm cho các thành phần còn lại. Khi một thành phần bị phá vỡ, nó sẽ tạo ra một dạng hiệu ứng domino phá vỡ thành phần tiếp theo trong chuỗi. Sự sụp đổ sẽ đến rất nhanh và không thể đảo ngược. Đó là những gì đã xảy ra với các nền văn minh đồ đồng tại Địa Trung Hải. Phải mất 500 năm sau, con người mới có thể thoát ra khỏi thời kỳ đen tối và bắt tay xây dựng những nền văn minh mới.

==================

Nguồn: ExtraCredit

Dịch và biên tập: Thành Nguyễn

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm