Tên đường Sài Gòn thời Pháp thuộc
Trước hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 hầu hết các đường phố Sài Gòn đều có tên Tây như:
Boulevard Charner
Boulevard Galliéni
Boulevard Kitchener
Boulevard Norodom
v.v…
Xem thêm: 20 bức ảnh hiếm về Sài Gòn năm 1948 qua ống kính của Jack Birns
Nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát và việc đặt tên đường phố Sài Gòn trước 1975
Từ lâu, tôi đã có dịp bày tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục về việc đặt tên cho các đường phố tại Sài Gòn vào năm 1956, ngay sau khi chúng ta dành được độc lập từ tay thực dân Pháp. Vì đây là một công việc quá xuất sắc và quá hoàn thiện, nên tôi vẫn đinh ninh rằng đó phải là một công trình do sự đóng góp công sức và trí tuệ của rất nhiều người, của một ủy ban gồm nhiều học giả, nhiều sử gia, nhiều nhà văn, nhà báo…
Nhưng thật là bất ngờ, bất ngờ đến kinh ngạc, khi qua tài liệu đính kèm của tác giả Nguyễn Văn Luân, chúng ta được biết kiệt tác của lịch sử này đã được hoàn thành bởi… một người. Người đó là ông Ngô Văn Phát, Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh Sài Gòn.
Trong những năm làm việc tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn, tôi có dịp góp phần trông coi việc xây dựng và tu bổ đường xá, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Sài Gòn Tây (Chợ Lớn) gồm 6 quận 5, 6, 7, 8, 10 và 11, lúc thì tại Khu Kiều Lộ Sài Gòn Đông (Sài Gòn) gồm 5 quận 1, 2, 3, 4 và 9. Hàng ngày họp với các ông cai lục lộ phụ trách từng khu vực, nghe báo cáo đường thì ngập nước sau cơn mưa, đường thì có ổ gà, nhựa đường tróc hết trơ lớp đá xanh đá đỏ nền đường, đường thì dân xây cất trên lộ giới tràn ra lề đường, nên tôi gần như thuộc lòng tên hơn 300 con đường.
Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 chính quyền Pháp bàn giao cho Chính Phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Xem thêm: Chính quyền VNCH là chính quyền hợp pháp của nhân dân Miền Nam?
Để đánh dấu việc giành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Trong lịch sử của các thành phố có bao nhiêu lần đổi tên hàng loạt toàn bộ các con đường như thế này? Có lẽ vô cùng hiếm hoi.
Việc đối chiếu tên các danh nhân trong lịch sử 4000 năm để đặt tên đường sao cho hợp lý không phải dễ. Chỉ nghĩ đơn thuần, khi dùng tên Vua “Trần Nhân Tôn” và Tướng “Trần Hưng Đạo”, người làm dưới trướng của Vua, để đặt tên cho 2 con đường thì đường nào to và quan trọng hơn? Câu hỏi nhỏ như vậy còn thấy không đơn giản, huống chi cân nhắc cho ngần ấy con đường trong một thời gian gấp rút thật không dễ.
Lúc bấy giờ công việc này được giao cho Ty Kỹ Thuật mà Phòng Hoạ Đồ là phần hành trực tiếp. May mắn thay cho thành phố có được nhà văn Ngô Văn Phát**, bút hiệu Thuần Phong, có bằng Cán Sự Điền Điạ lúc ấy đang giữ chức Trưởng Phòng Hoạ Đồ.
Năm 1956, sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành, và toàn bộ danh sách tên đường ấy đã được chấp thuận. Khi tôi vô làm năm 1965 và hàng ngày lái xe đi công trường, đụng chạm với các con đường mới cảm nhận được sự uyên bác về lịch sử của ông. Nhìn những tên đường trên họa đồ, khu nào thuộc trung tâm thành phố, khu nào thuộc ngoại ô, đường nào tên gì và vị trí gắn bó với nhau, càng suy nghĩ càng hiểu được cái dụng ý sâu xa của tác giả.
Các đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang mạch lạc với sự cân nhắc đánh giá bao gồm cả công trạng từng anh hùng một lại phù hợp với địa thế, và các dinh thự đã có sẵn từ trước. Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa tình vừa lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Tôi xin kể ra đây vài thí dụ, theo sự suy đoán riêng của mình, bởi vì ông có nói ra đâu, nhưng tôi thấy rõ ràng là ông có ý ấy:
Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng ao ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.
Đường đi ngang qua Bộ Y Tế thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.
Đường de Lattre de Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, phải chăng vì đi ngang qua Pháp Đình Sài Gòn. Con đường dài và đẹp rất xứng đáng. Ba đường Tự Do, Công Lý và Thống Nhất giao kết với nhau nằm sát bên nhau bên cạnh dinh Độc Lập.
Đại Lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sài Gòn nối từ Toà Đô Chánh đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại Lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của ngài.
Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ, Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước giữ nước của các ngài.
Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi.
Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số cư dân là người Hoa.
Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông Cổ, chống Nhà Nguyên của Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13.
Cụ Nguyễn Du, mà thầy đồ Thiệp, người dạy học vỡ lòng cho tôi, khi nói chuyện với cha tôi, bao giờ cũng gọi với danh xưng Cụ Thánh Tiên Điền. Cuốn truyện Kiều của cụ ngày nay được chúng ta dùng như là khuôn mẫu cho tiếng Việt, khi có sự tranh luận về danh từ hay văn phạm, người ta thường trích một câu Kiều làm bằng. Vậy phải tìm đường nào đặt tên cho xứng? Tôi thấy con đường vừa dài vừa có nhiều biệt thự đẹp, với hai hàng cây rợp bóng quanh năm, lại đi ngang qua công viên đẹp nhất Sài Gòn, vườn Bờ Rô, và đi ngang qua Dinh Độc Lập, thì quá xứng đáng. Không có đường nào thích hợp hơn. Tuyệt! Vườn Bờ Rô cũng được đổi tên thành Vườn Tao Đàn làm cho đường Nguyễn Du càng thêm cao sang.
Vua Lê Thánh Tôn, người lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, cũng cho mang tên một con đường ở địa thế rất quan trọng, đi ngang qua một công viên góc đường Tự Do, và đi trước mặt Toà Đô Chánh.
Trường nữ Trung Học Gia Long lớn nhất Sài Gòn thì, (trớ trêu thay?), lại mang tên ông vua sáng lập nhà Nguyễn. Trường nữ mà lại mang tên nam giới! Có lẽ nhà văn Thuần Phong muốn làm một chút gì cho trường nữ Trung Học công lập lớn nhất thủ đô có thêm nữ tính, nên đã đặt tên hai đường song song nhau cặp kè hai bên trường bằng tên của hai nữ sĩ: Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm. Chùa Xá Lợi nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan thấy cũng nhẹ nhàng.
Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý, nhưng có lý hơn nữa có lẽ là đường Hồ Xuân Hương đi ngang qua bệnh viện Da Liễu. Tác giả những câu thơ “Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa” mà cho mang tên đường có bệnh viện Da Liễu có lẽ cũng xứng hợp. Ông Nhà Văn – Trưởng Phòng Họa Đồ quả là sâu sắc.
Rất tiếc là lúc vào làm việc thì Thuần Phong Ngô Văn Phát đã về hưu nên tôi không được hân hạnh gặp mặt. Mãi sau này mới có dịp đọc tiểu sử của ông, mới hết thắc mắc làm sao chỉ là một công chức như tôi mà ông đã làm được việc quá xuất sắc và hi hữu này.
Tên đường phố Sài Gòn sau 1975
Từ sau tháng 4 năm 1975, khoảng gần 1/3 tên đường của Sài Gòn cũ đã được thay đổi, làm cho việc đối chiếu tài liệu, hình ảnh của Saigon xưa và nay gặp chút khó khăn.
Trong bài hát Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn than thở về việc con phố bị đổi tên đường đã làm cho đôi tình nhân lạc lối tìm nhau như sau:
Mất từng con phố đổi tên đường
Khi hẹn nhau ta lạc lối tìm…
Bảng đối chiếu tên đường phố Sài Gòn thời Pháp thuộc, VNCH và TPHCM hiện tại
# | Thời Pháp thuộc | Thời VNCH | Hiện tại |
---|---|---|---|
1 | Boulevard Bonard | Lê Lợi | Lê Lợi |
2 | Boulevard Chanson | Lê Văn Duyệt | Cách Mạng Tháng Tám |
3 | Boulevard Charner | Nguyễn Huệ | Nguyễn Huệ |
4 | Boulevard Galliéni | Trần Hưng Đạo | Trần Hưng Đạo |
5 | Boulevard Kitchener | Nguyễn Thái Học | Nguyễn Thái Học |
6 | Boulevard Norodom | Thống Nhất | Lê Duẩn |
7 | Boulevard Paul Bert | Trần Quang Khải | Trần Quang Khải |
8 | Boulevard de la Somme | Hàm Nghi | Hàm Nghi |
9 | Rue – 11e RIC (Régiment d’Infanrerie Colonniale) | Nguyễn Hoàng | Trần Phú |
10 | Abattoir | Hưng Phú | Hưng Phú |
11 | d’Adran | Võ Di Nguy | Phan Đình Phùng |
12 | Albert 1er | Đinh Tiên Hoàng | Đinh Tiên Hoàng |
13 | Alexandre de Rhodes | Lục Tỉnh | Alexandre de Rhodes |
14 | Alexandre Frostin | Bà Lê Chân | Bà Lê Chân |
15 | Alsace Loraine | Phó Đức Chính | Phó Đức Chính |
16 | Amiral Dupré | Thái Lập Thành | Đông Du |
17 | Amiral Roze | Trương Công Định | Trương Định |
18 | d’Arfeuille | Nguyễn Đình Chiểu | Nguyễn Đình Chiểu |
19 | Armand Rousseau | Hùng Vương | Hùng Vương |
20 | d’Arras | Cống Quỳnh | Cống Quỳnh |
21 | Arroyo de l’Avalanche | Rạch Thị Nghè | Rạch Thị Nghè |
22 | Audouit | Cao Thắng | Cao Thắng |
23 | d’Ayot | Nguyễn Văn Sâm | Nguyễn Thái Bình |
24 | Ballande | Nguyễn Khắc Nhu | Nguyễn Khắc Nhu |
25 | Barbier | Lý Trần Quán | Lý Trần Quán |
26 | Barbé | Lê Quý Đôn / Hồng Thập Tự | Nguyễn Thị minh Khai |
27 | Blan Subé | Duy Tân | Phạm Ngọc Thạch |
28 | Bourdais | Calmette | Calmette |
29 | Catinat | Tự Do | Đồng Khởi |
30 | Chaigneau | Tôn Thất Đạm | Tôn Thất Đạm |
31 | Champagne | Yên Đổ | Lý Chính Thắng |
32 | Charles de Coppe | Hoàng Diệu | Hoàng Diệu |
33 | Charles Thomson | Hồng Bàng | Hồng Bàng |
34 | Chasseloup Laubat | Hồng Thập Tự | Nguyễn Thị minh Khai |
35 | Colonel Budonnet | Lê Lai | Lê Lai |
36 | Colonel Grimaud | Phạm ngũ Lão | Phạm ngũ Lão |
37 | Cornulier | Thi Sách | Thi Sách |
38 | Danel – Denis Frères | Phạm Đình Hổ | Ngô Đức Kế |
39 | Dixmude | Đề Thám | Đề Thám |
40 | Docteur Angier | Nguyễn Bỉnh Khiêm | Nguyễn Bỉnh Khiêm |
41 | Docteur Yersin | Ký Con | Ký Con |
42 | Đỗ Hữu Vị | Huỳnh Thúc Kháng | Huỳnh Thúc Kháng |
43 | Douaumont | Cô Giang | Cô Giang |
44 | Dumortier | Cô Bắc | Cô Bắc |
45 | Duranton | Bùi thị Xuân | Bùi thị Xuân |
46 | Eyriaud des Verges | Trương Minh Giảng | Lê Văn Sĩ |
47 | l’Église | Trần Bình Trọng | Trần Bình Trọng |
48 | d’Espagne | Lê Thánh Tôn | Lê Thánh Tôn |
49 | Faucault | Trần Khắc Chân | Trần Khắc Chân |
50 | Frère Louis | Nguyễn Trãi & Võ Tánh | Nguyễn Trãi |
51 | Frère Guilleraut | Bùi Chu | Tôn Thất Tùng |
52 | Filippiny | Nguyễn Trung Trực | Nguyễn Trung Trực |
53 | Fonck | Đoàn Nhữ Hài | Đoàn Nhữ Hài |
54 | Gallimard | Nguyễn Huy Tự | Nguyễn Huy Tự |
55 | Gaudot | Khổng Tử | Khổng Tử |
56 | Georges Guynomer | Võ Di Nguy | Võ Di Nguy |
57 | Guillaume Martin | Đỗ Thành Nhân | Đỗ Thành Nhân |
58 | Hamelin | Hồ Văn Ngà | Hồ Văn Ngà |
59 | Heurteaux | Nguyễn Trường Tộ | Nguyễn Trường Tộ |
60 | Hui Bon Hoa | Lý Thái Tổ | Lý Thái Tổ |
61 | Jaccaréo | Tản Đà | Tản Đà |
62 | Jauréguiberry | Hồ Xuân Hương | Hồ Xuân Hương |
63 | Jean Eudel | Trình Minh Thế | Nguyễn Tất Thành |
64 | Lacaze | Nguyễn Tri Phương | Nguyễn Tri Phương |
65 | Lacotte | Phạm Hồng Thái | Phạm Hồng Thái |
66 | Lacaut | Trương Minh Ký | Hoàng Văn Thụ |
67 | De Lagrandière | Gia Long | Lý Tự Trọng |
68 | Larclause | Trần Cao Vân | Trần Cao Vân |
69 | Lefèbvre | Nguyễn công Trứ | Nguyễn công Trứ |
70 | Legrand de la Liraye | Phan Thanh Giản | Điện Biên Phủ |
71 | Le Man | Cao Bá Nhạ | Cao Bá Nhạ |
72 | Léon Combes | Sương Nguyệt Ánh | Sương Nguyệt Ánh |
73 | Lesèble | Lý Văn Phức | Lý Văn Phức |
74 | Loucien Lecouture | Lương Hữu Khánh | Lương Hữu Khánh |
75 | Luro | Cường Để | Đinh Tiên Hoàng |
76 | Mac Mahon | Công Lý | Nam kỳ Khởi Nghĩa |
77 | Marchaise | Ký Con | Ký Con |
78 | Maréchal Fox | Nguyễn Văn Thoại | Lý Thường Kiệt |
79 | Maréchal Pétain | Thành Thái | An Dương Vương |
80 | de Marins | Đồng Khánh | Trần Hưng Đạo B |
81 | Martin des Pallières | Nguyễn Văn Giai | Nguyễn Văn Giai |
82 | Massiges | Mạc Đĩnh Chi | Mạc Đĩnh Chi |
83 | Mayer | Hiền Vương | Võ Thị Sáu |
84 | Miche Phùng | Phùng Khắc Khoan | Phùng Khắc Khoan |
85 | Miss Cawell | Huyền Trân Công Chúa | Huyền Trân Công Chúa |
86 | Nancy | Cộng Hoà | Nguyễn Văn Cừ |
87 | Nguyễn Tấn Nghiệm | Phát Diệm | Trần Đình Xu |
88 | Noel | Trương Hán Siêu | Trương Hán Siêu |
89 | Ohier | Tôn Thất Thiệp | Tôn Thất Thiệp |
90 | d’Ormay | Nguyễn Văn Thinh | Mạc Thị Bưởi |
91 | Paracels | Alexandre de Rhodes | Alexandre de Rhodes |
92 | Paris | Phùng Hưng | Phùng Hưng |
93 | Pavie | Trần Quốc Toản | 3 tháng 2 |
94 | Paul Blanchy | Hai Bà Trưng | Hai Bà Trưng |
95 | Paulin Vial | Phan Liêm | Phan Liêm |
96 | Pellerin | Pasteur | Pasteur |
97 | Pierre Flandin | Đoàn thị Điểm | Đoàn thị Điểm |
98 | Laregnère | Bà Huyện Thanh Quan | Bà Huyện Thanh Quan |
99 | Renault | Hậu Giang | Hậu Giang |
100 | René Vigerie | Phan Kế Bính | Phan Kế Bính |
101 | Résistance | Nguyễn Biểu | Nguyễn Biểu |
102 | Richaud | Phan Đình Phùng | Nguyễn Đình Chiểu |
103 | Roland Garros | Thủ Khoa Huân | Thủ Khoa Huân |
104 | Sabourain | Tạ Thu Thâu | Tạ Thu Thâu |
105 | Sohier | Tự Đức | Nguyễn Văn Thủ |
106 | Taberd | Nguyễn Du | Lý Tự Trọng |
107 | Testard | Trần Quý Cáp | Võ Văn Tần |
108 | Tong-Kéou | Thuận Kiều | Thuận Kiều |
109 | Turc | Võ Tánh | Hoàng Văn Thụ |
110 | Verdun | Lê Văn Duyệt | Cách Mạng Tháng Tám |
111 | Vassoigne | Trần Văn Thạch | Trần Văn Thạch |
112 | Yunnam | Vạn Tượng | Vạn Tượng |
113 | Quai de Belgique | Bến Chương Dương | Võ Văn Kiệt |
114 | Quai Le Marn | Bến Hàm Tử | Võ Văn Kiệt |
115 | Quai Le Myre de Vilers | Bến Bạch Đằng | Tôn Đức Thắng |
116 | Quai de Fou-Kien | Bến Trang Tử | Trang Tử |