Sau khi thế chiến II kết thúc năm 1945, có mấy anh em tá điền rủ nhau đi đào đất gần thành phố Nag Hammadi (Ai Cập) tình cờ phát hiện ra một cái hũ. Mới đầu các tá điền không dám mở lọ, họ sợ có thần đèn bên trong, nhưng sau khi nhớ đến huyền thoại về những kho báu cổ thì lòng tham nổi lên và người anh cả Muhammed đã quyết định đập hộp. Nhưng thay vì ngọc ngà châu báu thì bên trong chỉ có những cuốn sách bọc da cũ, họ không ngờ rằng họ đã tìm thấy một trong những chứng tích khảo cổ quan trọng nhất thế kỷ 20 – những cổ bản của thư viện Nag Hammadi.
Trong suốt hơn 1500 năm, hầu hết tín đồ Cơ Đốc giáo đều cho rằng Kinh Tân Ước là nguồn tư liệu duy nhất về Jesus và những đồ đệ của ngài, đặc biệt là những cuốc sách phúc âm của Matthew, Mark, Luke và John. Tuy nhiên, sự khám phá đột ngột đầy bất ngờ của hơn 50 bản văn cổ từ thế kỷ thứ 4 đã cho thấy rằng những sách phúc âm quen thuộc chỉ là một nhóm nhỏ được chọn lựa trong số nhiều học thuyết từ những thời kỳ đầu của phong chào Cơ Đốc. Giờ đây những sách phúc âm của Thomas, Phillip, Mary, Judas, phúc âm Sự Thật, v.v. đã mở rộng hiểu biết của chúng ta về phong trào Cơ Đốc sơ khai một cách đáng kinh ngạc.
Có một phong trào phát triển song song với Cơ Đốc giáo thời kỳ sơ khai – Ngộ giáo – mặc dù khó mà nói được cái nào xuất hiện trước, nhưng rõ ràng là cả hai phong trào đều ảnh hưởng lẫn nhau. Theo John Dominic Crossan, liệu Ngộ giáo có là một dị giáo Cơ Đốc, hay dị giáo Do Thái, hay là một tôn giáo gốc hợp nhất cả hai một cách mạnh mẽ hay không là điều không rõ ràng, Ngộ giáo đã mượn những yếu tố của Cơ Đốc giáo, cũng những tổng thể Cơ Đốc giáo đã lấy một vài đặc tính thiết yếu của Ngộ giáo, đặc biệt là phúc âm của John có thể dễ dàng được thông qua như một tài liệu tiền Ngộ giáo.
Cuối cùng, Ngộ giáo, hướng tới giải thoát cá nhân bằng tự lực, đã không hình thành một hệ thống có tổ chức thống nhất với nhiều cấp bậc quản lý mạnh mẽ như Cơ Đốc giáo, đã bị coi là dị giáo, bị tấn công mạnh mẽ và chìm dần vào lịch sử. Những tác phẩm của họ bị cấm sau khi Giáo hội xác định những cuốn sách được phép đọc trong hội thánh. Có lẽ những tu sĩ ở Nag Hammadi đã quyết định gửi niềm tin vào tương lai, cất giấu những văn bản của họ để chờ ngày được khám phá.
Thần học Ngộ giáo có những khác biệt căn bản với Cơ Đốc giáo và do đó dẫn đến phương pháp tu tập khác nhau. Chúa trong Kinh Cựu Ước chỉ là một vị thần cấp thấp đã tạo ra thế giới vật chất. Trước đó, vị Chúa thật sự, kẻ không ai cao hơn và là Cha của mọi thứ dường như không thể nhận thức được và không từ ngữ nào diễn tả được, đã sinh ra Providence.
Ở đây không có sự sáng tạo vật chất, mà nó giống như một quá trình tâm lý, Chúa tự nhận thức hình ảnh của mình, và sự nhận thức đó trở thành một thực thể riêng biệt. Providence xin Chúa và tạo ra những thực thể tư tưởng khác: Foreknowledge, Incorruptibility, Life Everlasting, và Truth tạo thành tầng tồn tại đầu tiên.
Các thế hệ tiếp theo tiếp tục được sinh ra đều có sự nhận thức của Chúa, tạo ra những tầng tồn tại khác nhau. Tầng thứ hai có Christ. Tầng thứ 3 có một “con người hoàn hảo” Adamas. Đến khi Sophia (Wisdom) “nghĩ cho bản thân” và thực hiện sự sinh sản thiếu sự đồng ý từ Chúa và hỗ trợ từ bạn tình.
Cô sinh ra Yaldabaoth (tương đồng với Chúa trong Kinh Cựu Ước Yahweh) và đẩy hắn đi xa khỏi cảnh giới của mình (tầng thấp hơn), giấu hắn trong những đám mây để không ai nhìn thấy hắn và hắn cũng không thể thấy ai. Lần đầu tiên có sự xuất hiện của vật chất và một thực thể có hình dạng (Yaldabaoth mình rắn đầu sư tử).
Được thừa hưởng sức mạnh từ Sophia, Yaldabaoth cũng có thể sáng tạo (sinh sản) bằng tưởng tượng, hiện thực hóa suy nghĩ. Do tự tạo được một vũ trụ riêng cho mình mà thiếu sự hiểu biết về những cảnh giới cao hơn, Yaldabaoth nghĩ mình là vị Chúa duy nhất. Yaldabaoth tạo ra thế giới vật chất tiếp nối bằng những sự kiện gần giống như trong Kinh Cựu Ước (tạo ra con người, vười Eden, con rắn ở đây không phải kẻ xấu mà đã nói sự thật v.v…) với một góc nhìn khác. Adam được tạo ra nhưng bất động, và Yaldabaoth đã bị lừa để thổi thần tính vốn thuộc sở hữu của cảnh giới cao hơn vào Adam khiến Adam có sự sống.
Nhận ra mình bị lừa, Yaldabaoth tạo ra mọi thứ cám dỗ và mê muội đồng thời cho con người uống nước quên lãng để đi bản chất thần thánh trong mình và hiểu biết về vị Chúa thực sự, để có thể cầm tù họ (cũng là giữ lại thần tính không cho trở về với Chúa tối cao) trong thế giới vật chất hết kiếp này qua kiếp khác. Jesus Christ chính là được cảnh giới trên gửi xuống để truyền cho nhân loại những giáo lý bí mật giúp con người nhớ lại vị Chúa tối cao và bản chất thần thánh của mình, nhờ đó mà có thể thoát khỏi ngục tù của sự ngu dốt và quay về với Chúa.
Như vậy con người được tạo ra gián tiếp từ một “lỗi” của một đối tượng tinh thần của Chúa, hay nói cách khác Chúa có vấn đề tâm lý (mất kiểm soát sự khôn ngoan (Sophia-Wisdom)) dẫn đến hậu quả là xuất hiện thế giới vật chất và chúng ta bị cầm tù trong đó.
Ngộ giáo do đó hướng con người đến giác ngộ qua sự hiểu biết, tự mình tìm kiếm tri thức không qua cầu xin, thoát khỏi tăm tối ngu dốt, hiểu được bản chất xấu xa của thế giới vật chất được tạo nên như một nhà tù bởi Yaldabaoth, là một góc nhìn và hướng đi khác với Cơ Đốc giáo. Những giáo huấn thật sự của Jesus là những giáo huấn mang tính bí mật, bí truyền, bởi vì có những lời dạy cần được ngụy trang để đánh lừa những cai ngục xấu xa (Yaldabaoth và đội ngũ “thiên thần“).
————————
Sách tham khảo:
The Nag Hammadi Scriptures
Gnosticism: The History and Legacy of the Mysterious
The Secret Book of John: The Gnostic Gospel – Annotated & Explained
Mai Dạ Phúc Ca