Cuộc đời Trúc Phương
Trúc Phương (1933–1995) là nhạc sĩ nhạc vàng tiêu biểu tại miền Nam Việt Nam trước 30 tháng 4 năm 1975. Ông tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Ông sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng. Những sáng tác đầu tiên của ông là hai bài “Tình thương mái lá” và “Tình thắm duyên quê” viết vào năm 1957. Tiếp sau đó là “Chiều làng em” (1958) và “Đò chiều” (1959). Bản nhạc “Tàu đêm năm cũ” bất hủ của ông được viết vào đầu thập niên 1960, tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà vì lúc đó chính quyền Ngô Đình Diệm có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại. Tổng số lượng sáng tác của ông gần 70 bài, nhiều bài phổ biến trong suốt thập niên 1960 và cho đến tận hiện nay.
Biến cố
Năm 1976, Trúc Phương vượt biên nhưng không thành công và bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt, Quận 11. Những năm sau, ông vượt biên thêm 2 lần nhưng vẫn không thành công. Lúc ra tù, vợ con ly tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân rồi lưu lạc về Trà Vinh, Vĩnh Long và vài nơi khác. Giữa năm 1985, ông được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở.
Cuối đời
Vào ngày 18 tháng 9 năm 1995 ông qua đời vì bệnh sưng phổi, được gia đình an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé.
Những sáng tác tiêu biểu của Trúc Phương
Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa,…
Những ca sĩ trình bày thành công các tác phẩm của Trúc Phương
Thanh Thúy, Chế Linh, Duy Khánh, Hoàng Oanh
Hầu hết các bài hát của Trúc Phương mang âm hưởng miền Nam với sức thu hút mãnh liệt trong suốt hơn bốn chục năm qua và mãi đến ngày hôm nay. Tài năng của ông nổi trội đạt đến đỉnh cao nhưng đời sống lại trải qua nhiều bất hạnh, đau thương đến tận những giờ phút cuối cùng.