Nhân vật lịch sử

Ung Chính diệt tham ô

Người tiền nhiệm trước Ung Chính là Thánh Tổ Nhân hoàng đế Khang Hy đã tạo nên một "thái bình thịnh thế", đồng thời cũng để lại những di chứng nghiêm trọng: Lại trị hủ bại, thuế thu không đủ, kho tàng trống rỗng.
743
Ung Chính diệt tham ô

Ung Chính là một vị Hoàng đế siêng năng, cần kiệm và chống tham nhũng quyết liệt, mục tiêu của Ung Chính là tạo ra một triều đình hiệu quả với chi phí thấp nhất. Các chính sách của ông đã mở đường cho sự thịnh trị gần 150 năm tiếp theo của Đại Thanh.

Vua Ung Chính triều Thanh
Vua Ung Chính triều Thanh. (Ảnh Internet)

Lúc tiếp nhận, quốc khố chỉ còn vỏn vẹn tám trăm vạn lạng và con số thâm nợ khiến người ta phải giật mình. Ung Chính nói: “Nhiều năm con số thâm nợ ở ngân khố bộ Hộ là hàng trăm vạn lạng, lúc còn ở phiên đế trẫm đã biết rất rõ. Lại nói: Gần đây ở đạo phu châu huyện lương tiền thâm nợ cũng không ít”, “lương tiền phiên khố thâm nợ nhiều lắm, hàng mấy chục vạn”. Đủ thấy: Đường đường là đế quốc Đại Thanh, nhưng chỉ là một cái giá rỗng. Bề ngoài trông rất cường thịnh, nhưng bên trong thì rỗng không.

Quốc khố rỗng không, quan hệ không đơn giản, vị hoàng đế mới có thể ngồi nhìn được chăng?

Nhưng tiền lương thâm nợ, không chỉ đơn giản là vấn đề kinh tế. Vậy số tiền lương thâm nợ ở khắp nơi đó đã đi đâu? Ung Chính thấy rất rõ: Nếu không là cấp trên bóp nặn thì cũng là cấp dưới hưởng lợi, còn số bạc ở bộ Hộ đã bị hoàng đế cùng các vị quyền quý chi phối bởi tâm lý “không mượn thì cũng phí”, đã mượn hết rồi (kỳ thực là nuốt không). Biết bao người đến đào tường nhà nước, quốc khố không rỗng không mới là lạ! Nhưng từ trung ương đến địa phương, việc tham ô, lạm dụng, mượn chi khoản công đến địa phương đều có những chỗ “bất đắc dĩ”. Vì nhà Thanh theo chế độ thời Minh, nên bổng lộc các quan rất thấp. Quan chính nhất phẩm được một trăm năm mươi lạng, huyện lệnh thất phẩm được bốn mươi lăm lạng. Một chút bổng lộc đó, đến chi tiêu trong gia đình cũng thành vấn đề, chưa nói đến chuyện phải kính biếu quan trên, sính lễ qua lại giữa bè bạn, đồng liêu. Từ ý nghĩa đó đã nảy sinh ra lại trị hủ bại trong hai đời Minh, Thanh.

Từ đây có thể thấy, thâm nợ quan hệ đến lại trị, lại trị còn quan hệ đến thể chế, cả một khâu liên hoàn. Mỗi mắt xích trong khâu liên hoàn đều rất mơ hồ. Nếu nói, muốn có giang sơn phải nhờ vào súng ống, thì trị giang sơn lại phải dựa vào túi tiền, nên thâm nợ không thể không bù vào. Lại trị hủ bại là sự hủ bại lớn nhất, nên phải nắm lấy lại trị. Hai việc này đều liên quan đến chế độ, vậy không thể không cải cách chế độ. Ung Chính phân biệt rất rõ những điểm này. Vì vậy, việc thanh lý thâm nợ, trong con mắt Ung Chính biến thành cải cách chế độ.

Có điều, công việc phải bắt đầu từ việc thanh lý thâm nợ. Đây là điểm đột phá tốt nhất, cũng là việc cấp bách.

Ngày mười ba tháng mười hai năm Khang Hy thứ sáu mươi mốt (năm 1722), tức là vừa được một tháng hoàng đế Khang Hy qua đời, hoàng đế Ung Chính hạ lệnh bộ Hộ phải thanh tra toàn bộ số lương thâm nợ. Không nghĩ tới “thi thể chưa lạnh” của cha, Ung Chính đã vội ra tay với tệ nạn Khang Hy lưu lại, thể hiện một quyết tâm lớn, giải quyết một việc vô cùng cấp bách. Đây là chiến dịch lớn thứ nhất, sau khi Ung Chính lên ngôi, chiến dịch quan hệ đến tới nền tảng đất nước, tới đế vị. Một khi không thành hoặc giữa đường phải bỏ thì không chỉ bản thân Ung Chính thân bại danh liệt, mà có thể dao động tới nền tảng đất nước. Nên chiến dịch chỉ có thể thắng không thể bại, chỉ có thể tiến, không thể lui.

Ung Chính vô cùng tự tin.

Có đủ lý lẽ để Ung Chính tự tin. Thực tế, Ung Chính không phải là hoàng đế hồ đồ, càng không phải là hạng a ca quần là áo lượt. Hơn nữa, so với người cha của mình là hoàng đế Khang Hy, Ung Chính còn có lợi thế, thấu hiểu tình hình bên dưới. Quan viên các cấp có quỷ kế, muốn giở trò, trong quan trường có hư hỏng gì, tệ nạn gì, Ung Chính rõ hết. Ung Chính thấu hiểu, cấp dưới đối với cấp trên, địa phương đối với trung ương, xưa nay vẫn là “trên có chính sách, dưới có đối sách”. Chính lệnh của trung ương xuống đến địa phương bao giờ cũng bị giảm giá. Thanh tra thâm nợ liên quan đến lợi ích thiết thân của nhiều quan viên, lẽ nào lại có chuyện không nghiên cứu đối sách? Tốt thôi, ngươi nghiên cứu, trẫm cũng nghiên cứu. Ngươi có đối sách, trẫm càng có đối sách. Đối sách của trẫm là: Nghiên cứu đối sách của ngươi trước, sau đó mới đưa ra chính sách. Chính sách của trẫm nhắm thẳng vào đối sách của ngươi, xem ngươi có được bao nhiêu đối sách?

Lúc này, bọn tham quan ô lại đều hoa cả mắt.

Ung Chính rất hiểu tình hình bên dưới. Ung Chính biết, để kẻ tham ô xét việc tham ô của mình sẽ không tra ra được. Cũng vậy, cấp trên của chúng cũng không đáng tin, vì không có kẻ tham ô nào mà không móc nối với cấp trên, không hối lộ hoặc đưa lễ vật cho cấp trên. Nếu kẻ đó không móc nối với cấp trên hoặc cấp trên không nhận hối lộ thì kẻ đó không thể lăn lộn cho đến hôm nay, mà đã bị tra ra, bị hạch tội hoặc bãi quan. Và dù cấp trên của hắn là thanh liêm cũng không đáng tin. Vì việc thâm nợ của địa phương nghiêm trọng như vậy, tham ô hoành hành như vậy mà họ không hề làm gì, hẳn sẽ có ba khả năng sau: Có thể là hôn quan, không biết gì về tình hình cấp dưới; có thể là dung quan, biết nhưng không dám báo lên trên hoặc bất lực; có thể là lũ mất dạy, để bảo vệ địa vị danh vọng của mình, nên đã mắt nhắm mắt mở trước những hành động bừa bãi của cấp dưới, bao biện dung túng, thực hiện “chủ nghĩa bảo vệ địa phương”. Dựa vào bọn này thanh tra thâm nợ, khác gì lấy nước bằng làn trúc. Nên, dù tay chân chúng có sạch sẽ cũng không đáng tin.

Đối sách của Ung Chính là dựa vào các khâm sai đại thần. Họ là đặc phái viên của cấp tỉnh hoặc cấp phó bộ trực thuộc trung ương, cùng với các quan thanh liêm có năng lực ở các địa phương không có sai sót gì. Những người này, không phải tránh vết xe đổ trước, cũng không phải lo việc sau này, hoàng đế lãnh đạo trực tiếp, không tận tâm cũng sẽ tận tâm. Huống hồ, những đặc phái viên này không phải chỉ có một mình. Từ các địa phương, Ung Chính sẽ điều ra một số hậu bổ châu huyện theo đoàn đến tỉnh, cùng đặc phái viên xét nợ. Tra xét ra một viên tham quan ô lại, lập tức cách chức ngay, rồi từ trong đoàn điều tra tìm ra một viên quan cùng cấp, cho thế chân. Đây là nước cờ hay và cũng là nước cờ ác. Vì Ung Chính thấu hiểu, quan lại bảo vệ nhau là tật xấu nơi quan trường. Quan kê nhiệm xưa nay luôn là người có thể lấp vào chỗ trống của người tiền nhiệm, người này để lại một khoản nợ lớn để người sau này lo giải quyết. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thâm nợ cứ dây dưa mãi. Nhưng lần này, người kế nhiệm lại là người đến thanh tra nợ, đương nhiên, sẽ chẳng có gì khiến họ phải xuê xoa hoặc che giấu. Như vậy, quan tham ô sẽ hết đường lẩn trốn, chỉ còn cách là cúi đầu nhận tội, chịu sự trừng phạt. Hơn nữa, vì không có người kế nhiệm lo lấp chỗ trống cho hắn, đương nhiên hắn cũng chẳng thích thú gì phải đeo mặt nạ hộ cho người tiền nhiệm. Thế là ngay cả người tiền nhiệm của hắn, thậm chí là người tiền nhiệm của người tiền nhiệm, nếu có tham ô cũng khó thoát khỏi luật pháp.

Đương nhiên, bọn tham quan cũng không chịu bó tay chịu trói. Chúng có đối sách khác, tức là vay tiền vay lương bù vào thâm nợ. Đó cũng là một biện pháp cũ: Lúc cấp trên xuống tra xét nợ, chúng mượn tiền lương của một số hộ giàu có ở địa phương, đem để vào kho. Người kiểm tra xuống sẽ thấy con số không thiếu, và khi đoàn kiểm tra ra đi, số tiền lương đó lại được trả về chỗ cũ. Vì là quan mượn, nên lãi suất cao, lại không sợ không hoàn trả, lại nói đến bọn phú hộ cũng không muốn đắc tội với các quan địa phương, nên biện pháp này vẫn luôn được dùng.

Tiếc rằng ngón nghề này cũng không qua được mắt Ung Chính. Đồng thời với việc phái cử đặc phái viên, Ung Chính còn cho người đến trò chuyện với nhân dân vùng đó: Đừng ai cho quan phủ vay tiền vay lương. Muốn cho vay cũng được, nhưng số tiền lương đó được coi là của quan phủ, trẫm sẽ coi đó là của quốc gia, những người cho quan phủ vay tiền vay lương thực, đừng mong sẽ thu được lại.

Như vậy, không còn ai dám cho bọn quan tham vay tiền vay lương thực. Bọn phú hộ không muốn đắc tội với quan, càng không muốn đắc tội với hoàng đế. Hơn nửa, họ cũng không muốn đem tiền của của mình cho nhà nước. Một đối sách nữa của bọn quan tham ô lại đã bị Ung Chính phá tan.

Có điều, đây mới chỉ là một bộ phận trong hàng loạt đối sách của Ung Chính.

Một hành động quan trọng nữa của Ung Chính là thành lập “Hội khảo phủ”. Hội khảo phủ là một cơ quan độc lập, có chức năng kiểm tra, kiểm toán tài chính, được thành lập vào ngày mười bốn tháng giêng (năm 1733) năm Ung Chính thứ nhất, có nhiệm vụ tra xét kỹ càng việc chi tiêu của các bộ viện thuộc trung ương. Ung Chính thừa biết trong việc chi tiêu có những lỗ hổng rất lớn. Một khi các tỉnh nộp ngân lượng hoặc chi phiếu tiền thuế lên bộ Hộ, đều phải nộp thêm một khoản tiền “bộ phí”, cũng như ngày nay gọi là tiên hoa hông, phí trà nước. JNeu không có bộ phí thì dù là việc chi tiêu bình thường, cũng khó có được giấy tờ để thanh toán. Bộ Hộ sẽ không duyệt chi, thậm chí còn không cho nộp thuế. Ngược lại, nếu có “bộ phí” thì dù là lãng phí, thâm nợ lên tới hàng trăm vạn lạng cũng cứ thế xoá sạch. Hai là, các bộ viện khi sử dụng tiền lương, cứ tự dùng tự tiêu, không có người kiểm soát. Đây cũng là một tệ nạn đã có từ xưa. Như lúc Hải Thuỵ là tuần phủ úng Thiên, cho người nộp thuế vào quốc khố, nhưng vì không có “hộ phí” nên đã bị cự tuyệt, Hải Thuỵ liền có thư gửi đến trường quan bộ Hộ, chất vấn các vị làm việc công hay làm việc tư. Bộ Hộ biết Hải Thuỵ không phải là người dễ chơi nên mới chịu nhận thuế.
Hải Thuỵ là quan địa phương nên đã bằng lòng như vậy. Ung Chính là nguyên thủ đế quốc, lẽ nào lại nhẫn nhịn trước cảnh quan viên bộ viện tham nhũng đến nhường ấy? Nhưng Ung Chính cũng biết, chỉ nói lý lẽ suông sẽ chẳng có ích gì, làm công tác tư tưởng suông cũng thế, thậm chí có giết một doạ một trăm cũng chẳng ăn thua, biện pháp duy nhất là cải cách chế độ. Thế là có Hội khảo phủ, cơ quan thẩm tra, kiểm toán của trung ương tập quyền. Từ nay, việc nộp thuế báo chi tiêu của các địa phương, việc chi dùng tiền lương, báo tiêu kinh phí của các bộ viên đều phải thông qua Hội khảo phủ để hội khảo (kiểm tra kỹ càng), thế là hết đường giở trò. Các trưởng quan bộ viện hết cách tham ô, mấy viên quan địa phương muốn thông qua chi một ít tiền trà nước, để được bỏ qua một số thâm nợ hàng trăm vạn lạng, từ nay cũng hết cách.

Bọn tham quan ô lại có ba biện pháp quan trọng để che giấu món thâm nợ cũng như đối phó với đoàn kiểm tra: Nhờ cấp trên bao che, mượn tiền lương bù đắp vào chỗ thâm hụt và chi một ít tiền để được bỏ qua. Nhưng cả ba con đường này đã bị Ung Chính bịt chặt, bọn chúng đành phải nhận nợ. Nhưng chúng vẫn còn một mánh khóe nữa, nói tham ô thành lạm chi. Đó là cách biến nặng thành nhẹ. Chúng ta biết, có hai nguyên nhân dẫn đến thâm nợ, là tham ô và lạm chi. Tuy cả hai đều phạm vương pháp nhưng tham ô tội nặng, lạm chi tội nhẹ. Huống chi, nhiều lúc vì việc công mà phải lạm chi, như cứu nạn khẩn cấp, chiêu đãi tạm thời, ứng phó với cấp trên… thuộc loại “việc tình cảm”. Hơn nữa, các triều đại xưa nay vẫn theo biện pháp xét tham ô trước, xét lạm chi sau, vẫn còn chừa sơ hở cho bọn tham ô. Ung Chính rất hiểu tệ nạn này, thường nói: “Mượn danh lạm chi để che giấu sự thật”. Đó là cách làm khéo léo của bọn tham quan ô lại, chúng luôn nói những khoản tiền lớn là lạm chi, những khoản tiền nhỏ là tham ô “để thoát được tội lớn”. Kết quả là: “Lũ hư hỏng không hề lo sợ, chúng cứ dối trá bừa bãi, một khi bị tố giác, án phạm sẽ là lạm chi, không nguy hại đến tính mạng, coi quốc pháp là những tờ giấy lộn, nên thâm nợ ngày càng nhiều”.

Ung Chính quyết không để cho chúng được thể, ông thi hành biện pháp ngược lại, tra lạm chi trước, tra tham ô sau. Và lúc bổ khuyết, bồi thường thì lạm chi trước, tham ô sau, không được thiếu một hào một xu. Điều quan trọng hơn là, dù tham ô hay lạm chi, cần được kiểm tra rõ ràng từng khoản, không được lẫn lộn. Và như vậy, đường rút cuối cùng của bọn tham quan cũng được bịt lại.

Lúc này Ung Chính đã có thể “đóng cửa để đánh chó”. Có ba cách đánh: Bãi quan, bồi thường hoặc tịch thu gia sản.

Bãi quan là cách nhắm thẳng vào cái gọi là “lưu nhiệm để bù nợ”. Đây là biện pháp thường làm của các triều đại trước, sau khi tra ra khoản thâm nợ, lệnh cho viên quan đó, trong một thời hạn nhất định phải bù đủ. Nhưng có viên quan nào lại chịu rút ruột ra để bù nợ không? Tất nhiên họ sẽ vơ vét bóc lột nhân dân trăm họ nhiều hơn. Đúng là “không lấy ở dân thì lấy ở đâu?”. Kết quả là kho phủ lại đầy ắp, nhưng trăm họ lại hết sức khốn khổ. Ung Chính muốn cải cách, tức là muốn nước giàu dân mạnh, không thêm gánh nặng cho nhân dân trăm họ, để bọn tham quan ô lại phải gánh hết trách nhiệm về mình. Vì vậy, Ung Chính mới có đối sách, trước là bãi quan, sau là bồi hoàn. Một viên quan đã mất chức thì còn cách gì để bòn rút của dân, hắn chỉ còn một cách là tự rút hầu bao, tự rút máu của mình ra. Còn việc bọn này đã phải vất vả như thế nào mới có được chức quan đó, Ung Chính không quan tâm. Quan điểm của Ung Chính là: “Lý gì để trẫm phải tiếc lũ tham lại đó?”.

Bồi hoàn cũng phải rõ ràng. Giết người phải đền mạng, vay tiền phải trả tiền, quốc khố thâm hụt, có lý gì để không phải bồi hoàn? Ung Chính hạ lệnh, trong quá trình thanh tra, liên quan đến bất kỳ người nào cũng không tha. Sau khi thanh tra ra bộ Hộ có khoản thâm nợ là hai trăm năm mươi vạn lạng, Ung Chính lệnh thượng thư, thị lang, lang trung… phải bồi hoàn một trăm năm mươi vạn lạng, số còn lại, bộ Hộ phải bồi hoàn vào năm sau. Người em thứ mười hai của Ung Chính là Lý Quận vương Doãn Đào, từng chủ quản phủ nội vụ, trong lúc bồi hoàn thâm nợ không chịu bỏ tiền, đành phải đem những vật dụng quý trong nhà ra phố bán. Hoàng thượng đối với người thân còn như vậy, liệu còn ai dám chậm trễ bồi hoàn không?

Ung Chính còn quỵ định, nghiêm cấm mọi người ứng tiền hoặc trả thay. Trước kia khi truy thu bồi thường, thường có cấp dưới nào đó đến trả nợ thay, triều đình chỉ lo thu cho đủ ngân lượng, không hề biết số tiền đó lấy từ đâu. Nhưng Ung Chính không tán đồng như vậy. Ung Chính nói, dù quan châu, huyện giàu có cũng chỉ nên tạo phúc cho địa phương, sao có thể trả nợ thay cho bọn tham quan? Và tồi tệ hơn nữa nếu như sĩ dân cũng làm điều đó. Thế ra cường hào thân sĩ lại muốn câu kết với quan phủ, muốn bọn tham quan tiếp tục chấp chính; hoặc bọn lưu manh ác bá nhân cơ hội kiếm tiền, mượn cớ trả nợ thay cho trưởng quan để bóp nặn trăm họ. Vì vậy, Ung Chính nghiêm lệnh không theo. Ung Chính đã chĩa roi vào mông bọn tham quan ô lại.
Đây không chỉ muốn rruỵ nợ, mà còn muốn tịch biên gia sản. Tháng tám năm thứ nhất, Ung Chính theo kiến nghị của quan thông chính ty Tiền Dĩ Khải, một khi tra ra quan thâm nợ, thì thu ngay quan hàm, cho về nguyên quán, niêm phong gia sản, giám sát gia nhân, cho bán tài vật, làm mất khả năng chuyển dịch ngân lượng tàng trữ. Một khi xét thấy bọn tham quan có tội thì lập tức tịch biên gia sản của chúng, gồm cả nhà cửa thân thích, con em của chúng. Ung Chính hạ lệnh: “Không được mảy may nể tình ngày trước, dân chúng mong muốn được xử lý nghiêm. Phải truy cho đến sơn cùng thuỷ tận, để con cháu của chúng phải nghèo khổ, thế mới hợp với ý trẫm”. Lệnh được ban hành, cả nước vang lên tiếng tịch biên nhà, Ung Chính được phong hiệu là “Hoàng đế tịch thu gia sản”. Thậm chí trên chiếu bài cũng có cách đánh mới, gọi là sao gia hồ.

Xem ra, bọn quan tham chỉ còn “con đường chết”.

Đáng tiếc, dưới thời đại Ung Chính, ngay “con đường chết” chúng cũng không có. Ung Chính có chính sách: Chết cũng không tha cho chúng! Vào năm thứ tư, Quảng Đông đạo viên Lý Tân, Phúc Kiến đạo viên Đào Phạm, vì tham ô, nhận hối lộ, phạm án thâm nợ, vì sợ tội mà tự sát. Ung Chính hạ lệnh, phải tính sổ với gia nhân và con em của chúng! Ung Chính chỉ rõ, bọn này biết mình mắc tội lớn khó thoát, nên chúng liều chết để trốn nợ, bảo vệ tài sản để con cháu đời đời hưởng phúc. Vì theo lệ thường, giết người chỉ là đầu rơi xuống đất. Một khi người đã chết, tội có nặng đến mấy cũng chẳng là gì. Tiếc là, Ung Chính không vướng vào bẫy, cũng chẳng kể lệ thường hay không lệ thường, mang tiếng xấu hay không mang tiếng xấu, Ung Chính đã làm là làm tới cùng, đừng ai nghĩ sẽ được yên lành.

Đúng vậy, chống hủ bại, dù đã chết cũng không tha, đuổi bọn cướp, đuổi đến tận chỗ Diêm vương, nhìn bề ngoài có phần hơi ác. Nhưng trong thời đại tham ô đã thành thói, không ác như vậy thì không thể trừ tiệt được thói tham ô hủ bại đó. Sự thực đã chứng minh, hàng loạt chính sách và đối sách của Ung Chính đã giáng những đòn chí mạng vào bọn tham quan ô lại, nền lại trị của đế quốc đã trong sáng trở lại. Ung Chính chống hủ bại, hô hào thanh liêm trong vòng năm năm, lương thảo trong quốc khố cuối thời Khang Hy còn tám trăm vạn lạng, nay đã tăng lên năm ngàn vạn lạng. Điều quan trọng hơn, bộ mặt xã hội đã thay đổi. Nói là “dưới thời Ung Chính không còn quan tham” có phần hơi phô trương nhưng đó lại là cách đánh giá công minh về cách trị quốc của Ung Chính.

Hãy tỏ lời kính phục vị hoàng đế tộc Mãn này! Để chống lại việc xưa nay vẫn là đầu voi đuôi chuột, Ung Chính đã giành toàn thắng, sạch sẽ hoàn toàn.

Trích: Luận Anh Hùng (Dịch Trung Thiên)

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm