Ngày 26 tháng 8 năm 1805, một chiếc xe ngựa rời thị trấn Mainz và lăn bánh về phía Đông qua sông Rhine. Trên xe là một người đàn ông đẹp trai cao 1.83 m, tóc xoăn đen, đôi mắt đen nháy và để ria mép. Hộ chiếu ghi Đại tá de Beaumont, tùy viên quân sự.
Vào ngày 10 tháng 9, sau khi đi gần như 1 vòng quanh Áo đến tận biên giới Nga, xe quay về Pháp và dừng lại ở Strasbourg. Hộ chiếu là thật nhưng họ tên là giả, Đại tá de Beaumont thực tế là Joachim Murat, thống chế, đại đô đốc đế chế, thượng nghị sĩ, thống đốc Paris, tổng chỉ huy kỵ binh… và em rể của Napoleon Bonaparte. Cùng ngày hôm đó, một bức thư mã hóa được chuyển đi khẩn cấp và không lâu sau đã nằm trước mặt hoàng đế Pháp.
“Tâu bệ hạ. Thần đã đi đến tất cả những nơi mà Người ra lệnh …. Thần cố gắng thu thập những thông tin khác nhau mà bệ hạ yêu cầu, chẳng hạn như lộ trình, vùng miền, vị trí, bản chất và trạng thái của các con đường cũng như tuyến liên lạc chính yếu. Thần cũng đã ghi chép về các con sông chính như sông Tyrol….
Ở Wels đang có một lực lượng gồm nhiều quân đoàn, khoảng 60.000 người; tại Braunau ước tính 10.000 đến 12.000 (xét theo quy mô của trại, thì đủ cho 30.000 quân) … một số đơn vị Áo đã đến Salzburg; có tin đồn rằng họ sẽ tiến vào Bavaria….
Đại công tước Charles là tổng tư lệnh ở Ý, còn hoàng đế Áo sẽ chỉ huy đạo quân sông Rhine. Mục tiêu chính của họ là Ý với các hoạt động quy mô lớn …. Cạnh hồ Constance có một trại khoảng 15.000 lính. Một lượng lớn lính Nga đang tập trung ở biên giới Galacia, con số được cho là 80.000 người. Người ta kháo nhau rằng tướng Weyrother sẽ chỉ huy đạo quân này. Cuối cùng, mọi thứ ở Áo đều cho thấy thái độ rất hiếu chiến….”
Ở Paris, trong điện Saint Cloud, Napoleon buông báo cáo của Murat và nhìn sang bản đồ châu Âu với các mô hình lính chì nhỏ đại diện cho quân Pháp và Anh, Nga, Áo cũng như các tiểu quốc Đức thù địch. Sắp xếp lại, ông nhận thấy một lực lượng áp đảo đang bao vây Pháp và Ý từ nhiều hướng. Trong tay Napoleon chỉ có 180.000 lính của Đại quân (Grande Armée) và 25.000 của Bavaria chống lại khoảng 400.000 liên quân.
Xem thêm: 5 nguyên tắc cơ bản của Napoleon để phát triển các kế hoạch tác chiến
John Elting, đại tá Mỹ, đã đặt câu hỏi vì sao sinh viên trường quân sự lại phải học về chiến dịch cực kỳ ấn tượng này của Napoleon trong thời đại vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình? Câu trả lời đơn giản là các đơn vị của Napoleon có quy mô vừa phải, tính cơ động cao, nhỏ gọn nhưng hỏa lực mạnh, tự duy trì lương thực trong một thời gian và được chỉ huy ở cấp độ chiến lược…….tất cả đều rất phù hợp cho loại hình chiến tranh cơ động thời kỳ vũ khí hạt nhân. Vấn đề không phải là vũ khí hạt nhân chiến thuật có được sử dụng hay không; mối đe dọa đơn thuần do sự tồn tại của nó đòi hỏi các quốc gia phải tổ chức lại lực lượng và sửa đổi chiến thuật để đối phó.