Văn hóa Việt Nam

Hội chứng cuồng chó và sự phỉ báng một danh tác văn học

Lão Hạc, một trong những tác phẩm văn học được yêu thích nhất khi ngồi trên ghế nhà trường. Nam Cao còn một tác phẩm đưa vào giảng dạy chính khóa, đó là Chí Phèo. Thời mình học, còn một tác phẩm khác: Đời Thừa.
1575
Hội chứng cuồng chó và sự phỉ báng một danh tác văn học

Những tác phẩm của cụ Nam Cao, nó có tính thời sự đến tận ngày nay.

Bộ ba tác phẩm kinh điển Sống Mòn, Chí Phèo và Lão Hạc đã hợp lại thành bộ phim đỉnh cao của điện ảnh nước nhà những năm 1980: Làng Vũ Đại ngày ấy. Phân đoạn Lão Hạc bán Cậu Vàng là một trong những phân đoạn khắc nghiệt, dữ dội và đau thương nhất bộ phim.

Cậu Vàng, ở trong tác phẩm Lão Hạc, là một chú chó ta.

Nhưng ở một số người cuồng chó, chính xác hơn là cuồng chó Tây, họ gọi “cậu” bằng một cái tên khinh miệt và phân biệt: Chó cỏ.

Trong một cuộc thi chó khỏe chó đẹp nào đó trong TP HCM, BTC đã cấm không cho chó cỏ vào khuôn viên dự thi.

Trong buổi casting cho bộ phim điện ảnh Cậu Vàng, gọi thế có đúng không nhỉ, có những sự chú ý khi những chú chó Shiba, Akita, thậm chí cả Béc giê đến casting. Đạo diễn và nhà sản xuất thậm chí ủng hộ việc này và chấp nhận cả những diễn viên “không thuần Việt Nam”. Chắc là miễn nó màu vàng là được.

Cậu Vàng | Teaser Trailer

Lão Hạc, một tác phẩm văn học hiện thực được Nam Cao viết vào năm 1943, nó phản ánh đời sống nhân dân miền Bắc vào những ngày trước cách mạng tháng Tám. Bấy giờ, đó là sự đói khổ, khốn cùng và tha hóa.

Cậu Vàng, được Lão Hạc coi như là đứa con đứa cháu trong nhà, lão coi cậu như người con, là người bạn. Lão vốn cô đơn, vợ mất, con đi làm đồn điền cao su chưa biết bao giờ về. Nhưng, nếu cứ sống thế mãi, lão sẽ ăn phạm vào tiền cưới vợ của thằng con lão, lão đành bán cậu Vàng, hình ảnh cậu Vàng mắt ừng ực nhìn lão, nó ám ảnh độc giả gần như cả tác phẩm. Rồi lão cũng quyết định đi theo cậu Vàng, để lại tiền gửi ông giáo, mảnh đất và ngôi nhà.

Một tác phẩm có ý nghĩa như vậy, một tác phẩm văn học hiện thực kinh điển, nó phản ánh tính thời sự bấy giờ. Nhưng các nhà đạo diễn, nhà sản xuất hay chủ nhân của những “cậu Vàng” được nhập ngoại, các bạn đang nghĩ cái quái gì vậy?

Nhiều bạn sính ngoại nói rằng, miễn là cậu Vàng dễ thương, đáng yêu là được? Nhiều bạn “cuồng chó” lý luận rằng chó ta “ngu”, không diễn được. Ơ, đánh bỏ m* các bạn bây giờ, lý thuyết kiểu gì thế? Phân biệt chủng tộc giờ còn xuất hiện cả trên loài chó à?

Việc tạo điều kiện cho những chú chó ngoại hóa thân vào một nhân vật có gốc là một chú chó ta, trước hết, đó là sự thiếu tôn trọng nguyên tác tác phẩm. Các chú chó được đưa casting là những chú chó có nguồn gốc Nhật Bản, quốc khuyển của Nhật Bản. Một lần nữa, bối cảnh Lão Hạc là trước 1945, thời điểm ấy, Nhật đang đô hộ Việt Nam, gián tiếp hơn 2 triệu người miền Bắc thiệt mạng trong nạn đói kinh khủng nhất lịch sử.

Không biết cụ Nam Cao sẽ nghĩ gì đây? Nhiều bạn có thể nói rằng, thay đổi nguyên tác tác phẩm là điều không mới trong điện ảnh thế giới. Nhưng đây là một tác phẩm chính thống hiện thực, có ý văn hóa, nghĩa lịch sử lớn lao, sẽ ra sao nếu thế hệ con cháu chúng ta hỏi rằng: Cậu Vàng là chó Akita hả bố mẹ?

Người Mỹ đã từng sử dụng hình ảnh “quốc gấu” của Trung Quốc làm nhân vật chính và hoàn thành chuỗi phim Kungfu Panda nổi tiếng. Hình ảnh chú gấu trúc được tôn trọng tuyệt đối, ăn bánh bao, mặc đồ truyền thống, những cậu bạn của Po đều là những nhân vật đậm chất Trung Quốc. Sẽ ra sao nếu người Mỹ làm Kunfu Panda mà sử dụng “thỏ” Bắc Cực? Dĩ nhiên, đây chỉ là một phép so sánh vui.

Hay như nhân vật nàng tiên cá Ariel mới đây, khi có nhiều nguồn tin đồn đón công bố Halle Bailey vào vai chính này, một làn sóng phản ứng mãnh liệt trỗi dậy, kêu gọi Disney tôn trọng nguyên tác tác phẩm. Hoặc như việc làn da “quá màu đen” của nhân vật Starfire do Anna Diop thủ vai trong show Titans của DC, fan DC đã từng kêu rằng hình ảnh Starfire khác xa với nguyên tác trong truyện tranh DC. Hay ví dụ rõ ràng hơn, Bộ Tứ Siêu Đẳng trong phiên bản làm lại năm 2015 đã bị phản đối dữ dội khi để Michael B. Jordan hóa thân vào Human Torch, nguyên tác vốn là một nhân vật da trắng.

Nên nhớ rằng, những câu chuyện và tác phẩm trên đều là hư cấu và mang màu sắc thần tiên, nó không phản ánh hiện thực, không phản ánh bối cảnh xã hội như tác phẩm Lão Hạc.

Tự nhiên cảm giác nhìn Shiba hay Akita diễn cảnh bị trói 4 chân như trong Lão Hạc, tự nhiên mình nghĩ nó là phim hài rồi, hài vì sự cách tân sai lầm, hài vì việc người ta dễ dàng “đổi trắng thay đen” một tác phẩm gối đầu giường của hàng triệu thế hệ học sinh. Hài hước vì sau này sợ con cháu chúng ta coi được, mấy đứa nhóc lại ghi vào trong bài thi cậu Vàng vốn thuộc giống chó Akita được lão Hạc rất yêu quý… Hài hước vì người ta sẵn sàng lợi dụng cộng đồng yêu thú cưng để thay đổi nguyên tác một tác phẩm bất hủ có ý nghĩa.

Mình nhớ đến Mắt Biếc và Victor Vũ đã được cộng đồng độc giả và mê điện ảnh đánh giá cao khi cast chuẩn Hà Lan và Ngạn và vẽ hoàn hảo khung cảnh làng quê được miêu tả đầy chất thơ trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Hay lâu hơn một chút, tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng như vậy.

Một nửa sự thật thì không bao giờ là sự thật

Lão Hạc chắc sẽ phải chết thêm một lần nữa, như bác Ben của Nhện nhọ vậy. Nhưng lão có lẽ sẽ khóc vì cậu Vàng của lão…không phải là cậu Vàng hồi xưa.

Tifosi

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm