Văn hóa Việt Nam

Đông Dương Tạp Chí: So sánh nền văn minh Trung Hoa và văn minh phương Tây ở Bắc Kỳ

Đông Dương Tạp Chí là tạp chí về văn hoá văn minh tri thức Tây Phương đầu tiên được lập ra ở Việt Nam vào đầu TK20, do Nguyễn Văn Vĩnh làm tổng biên tập.
301
Đông Dương Tạp Chí: So sánh nền văn minh Trung Hoa và văn minh phương Tây ở Bắc Kỳ

Đa số các bài viết của tạp chí đều mang đề tài so sánh giữa hai nền văn minh Trung Hoa và phương Tây. Mà qua đó, ý tưởng căn bản khẳng định giáo dục là nền tảng của văn minh. Đó là nguyên nhân phát sinh ra những suy nghĩ chủ đạo hướng về việc nghiên cứu những hệ thống giáo dục cho phép phát huy những điểm tích cực của hai nền văn minh.

Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh trên mục TẠP LUẬN (ĐDTC, số 2, trang 8 -9)

Trong bài viết về chủ đề của giáo dục của Nguyễn Văn Vĩnh với nhan đề “Học hành“, ông phân tích hệ thống nghiên cứu truyền thống của nước ta vốn dựa hoàn toàn vào những kiến ​​thức của kinh điển Trung Quốc (chữ Thánh hiền):

Nguyễn Văn Vĩnh lấy ví dụ về Đại học (Grand Etude). Ông chỉ ra rằng bậc học này dạy chúng ta phải biết tất cả mọi thứ , nhưng lại không dạy cách để đạt được điều đó: “Đại học thì dạy người ta cách vật, nhưng thế nào là cách vật chả bảo”. Điều này giải thích lý do tại sao mà người Việt Nam học biết bao sách thánh hiền mà không có một người nào đó có một kỹ năng thực sự trong các ngành nghề hữu ích như nông nghiệp:

Mấy nghìn năm nay ta học sách thánh hiền mà nghề nông-tang vẫn không thấy ai giỏi…Tôi thiết nghĩ rằng đạo Khổng Mạnh đến tận ngày nay cũng không ai bài bác được là vì chỉ dạy những lý tất-nhiên trong xã hội, chớ không dạy ra ngoài. Mà những lý tất-nhiên thì người ta dù không học tất cũng phải biết đại khái, mà biết lắm cũng chẳng được việc gì…

Nói tổng lại thì đạo Khổng Mạnh là một đạo nên học để mà biết lý tưởng đời trước, nhưng mà ai nấy học sách thánh phải muốn biết được hơn thánh, vì nếu bây giờ ta học không bằng nhà nho Châu thì chẳng hóa ra sự tiến hóa của giống ta dật lùi du”.

Ông không tán thành một thực trạng là những người theo Nho học không hiểu rằng những cuốn sách của bậc Hiền Thánh cổ xưa không chứa tất cả các kiến thức của loài người. Các kiến thức ấy phải được cập nhật không ngừng bởi những thế hệ sau:

Nhà Nho ta đi học thường cứ cho kinh sử của thánh hiền để lại là tóm cả bao nhiêu điều phải biết ở cả đó, rồi lại không biết cho rằng nước nào cũng vậy, thánh hiền kế thế nhau, ông đời trước dạy điều biết trước, ông đời sau lại nhân điều dạy trước mà học thêm ra và dạy thêm ra, mỗi ngày một rộng”.

Theo Nguyễn Văn Vĩnh, hệ thống giáo dục này của Nho học là vô ích vì những người theo Nho học chỉ khăng khăng giữ lấy những điều họ đã được học trong các sách thánh hiền. Họ muốn tìm hiểu tất cả mọi thứ, nhưng trong thực tế, họ không học thêm bất cứ điều gì khác hơn so với các bản thánh văn: “Nhà Nho mình lại không thế. Học sách thánh thì muốn học hết cả, mà chỉ học chữ thánh mà thôi, chứ ngoài kinh truyện không có gì nữa” .

Và nếu người đời sau chỉ học của người đời trước mà không mở rộng thêm được gì thì rõ ràng đó là thất bại của Nho giáo:

Nếu từ 2500 năm nay, thiên hạ học chữ thánh mà chưa có ai hơn được thánh thì phải biết rằng đạo Nho hỏng ở nơi đó”. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, nghiên cứu Khổng giáo là để biết những “lý tưởng của đời trước” chứ không phải để ràng buộc mình vào đó mà không chịu tiến lên.

Ông kết thúc bài viết với một hình ảnh hết sức thú vị, cũng là kết luận cho bài tranh luận của ông: “Phải biết rằng các ông già thời thượng cổ là những trẻ con nhân loại, mà thiếu niên đời nay phải là người nhớn nhân loại. Tính tuổi cả loài chớ tính tuổi một người. Loài còn non biết ít, loài lớn lên phải biết nhiều”.

Như vậy, quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh thể hiện rất rõ ràng: Chúng ta phải từ bỏ hệ thống giáo dục cũ và dừng lại việc chỉ học duy nhất mớ kiến thức thiêng liêng của người xưa. Những kiến thức đó chỉ có giá trị ở thời đại của của các bậc tiền nhân, chứ không phải là kiến thức tiên tiến của nhân loại.

Để mau chóng bắt kịp với văn minh nhân loại, để phát triển đất nước, cách duy nhất là học hỏi những phương pháp, những kỹ thuật phương Tây. Người Việt cần mở rộng quan điểm của mình bằng cách đa dạng hóa cách nhìn của họ và kiến thức thực tế về thế giới.

Bài viết của Phạm Quỳnh mục “Học cũ học mới’ (ĐDTC, số 5, trang 4 -5)

Trong bài này Phạm Quỳnh hướng dư luận đến vấn đề được nêu ra trong phần mở đầu: Nền học mới trong bối cảnh một Việt Nam đã có một nền giáo dục dựa theo mô hình Trung Hoa. Hệ thống giáo dục mà ông gọi là “nền học cũ” phải đương đầu với “nền học mới” vốn rất khác biệt với tư duy căn bản của người phương Đông.

Ông giải thích là Việt Nam đang trải qua một buổi giao thời khó khăn. Đó là lí do vì saochúng ta phải hiểu vấn đề “” và “mới” cho tường tận để không phạm sai lầm trong việc lựa chọn con đường để đi vì đây là việc có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai.

Phạm Quỳnh cố gắng nêu lên điểm khác biệt giữa hai nền giáo dục và nhấn mạnh ở điểm: các nước Châu Âu đều coi trọng các lĩnh vực học thuật như nhau. Họ phân ra làm ba lĩnh vực riêng biệt; lý học, thực học và văn tự. Trong khi đó, tại Trung Quốc và Việt Nam người ta lại chuộng “từ chương” – một lối học “hư văn”. Vì thế, theo ông, trong khi Châu Âu tiến bộ hàng ngày nhờ vào tinh thần cởi mở đó thì Trung Quốc và Việt Nam vẫn giẫm chân tại chỗ.

Theo ông, tất cả mọi lĩnh vực kiến thức đều có ở Việt Nam nhưng không được nghiên cứu nghiêm chỉnh như ở Châu Âu. Một số người Việt bỏ công nghiên cứu về thiên nhiên hay về kỹ thuật ứng dụng thì thông thường cũng không đạt được kết quả tích cực. “Vì ta thường chuộng uẩn ảo huyển diệu hơn là rõ ràng, thực nghiệm và quan sát sự vật cũng không có phép tắc nhất định. Mỗi người xét một cách, người nào cũng lấy ý kiến riêng làm nhẽ thực chính sác. Thành ra rút lại thì chỉ có văn tự là học kỹ”.

Thế nhưng, ngay cả văn tự cũng không được phát triển thấu đáo vì các nhà Nho cứ phải tìm sao dùng những từ thật khó, thật hiếm và những điển cố sâu xa, ít người biết: “Cái tệ tập ấy nhân tuấn mãi thành ra tính chất tự nhiên”. Chỉ cần đọc tứ thư, ngũ kinh để hiểu được tất cả những điều xảy ra trong thiên hạ. Trong suốt ba ngàn năm ,”nước Tàu chỉ học huấn cổ”, có nghĩa là chỉ luận về cổ thư, tức là những thánh thư, những kinh điển của Nho học. Nền giáo dục theo mô hình Trung Hoa này không cho phép trí tuệ Việt Nam nảy sinh được tư tưởng mới lạ hay một triết thuyết mới.

Phạm Quỳnh cũng cho rằng Trung Quốc trong hai ngàn năm qua chưa nảy sinh ra một nhà tư tưởng lớn nào như ở phương Tây[6] với những Bacon, Spinoza, Kant, Comte.. mà tư tưởng mới lạ của họ đã thay đổi nền học thuật của nước họ. ông giải thích điều ấy do sĩ tử Việt Nam phải luôn lo học chữ Hán không ngừng nghỉ. Các nhà Nho phải bỏ cả một đời để học chữ Hán nên rốt cuộc không không còn thì giờ để dành cho tư tưởng. “Học chữ còn chưa đủ, lúc nào học tư tưởng?”. ngược lại, ông cho là kiến thức của người Châu Âu được xếp thành ba lĩnh vực nghiên cứu sau đây:

– Lĩnh vực thứ nhất nhằm nghiên cứu tất cả những gì mà giác quan không thể ước lượng được (“chỉ ước lượng được bằng tư tưởng suy lý mà thôi”), như môn Triết học chẳng hạn (thuần lý học….)

– Lĩnh vực thứ nhì là tất cả những gì mà giác quan có thể tiếp thu được (có phương phép thí nghiệm được) như các môn Vật lý, hóa học v.v..

– Lĩnh vực thứ ba thuộc về văn học (văn tự chỉ là cái đồ dung để lưu truyền cái ý hay ý tốt đấy thôi).

Phạm Quỳnh chỉ trích chủ yếu nền giáo dục truyền thống quá đặt nặng về văn học tạo ra thói ‘hư văn” làm cản trở tất cả mọi lĩnh vực học thuật khác (“Chính bởi cái hiếu hư văn ấy cho nên sự học hành không tiến hóa được. nước ta còn học lại nước Tầu, tất cái tệ hư văn lại còn tệ hơn nữa. muốn cho học mới khỏi nhầm như học cũ thì phải tiệt cái tính chất hư văn ấy đi”), cho nên ông đưa ra giải pháp “đem các lý tưởng là gốc cho sự học cũ đời xưa cùng sự học mới thời này”. Và theo ông, cần phải giải thích rõ về hai khuynh hướng cũ và mới để có thể hiểu được thấu đáo hai hệ thống khác nhau: “điều gì giống nhau, điều gì khác nhau, điều gì phản đối, điều gì dung hóa”.

Con đường mà Phạm Quỳnh vạch ra cho đất nước của mình chính là sự dung hòa của hai nền học thuật: “tôi tin rằng sự học mới ta mai sau này là cách dung hóa cái cổ học nước ta với cái tân học thời nay”.

Ông chấm dứt bài viết của mình với ước nguyện tiếp tục suy ngẫm về những đặc tính của hệ thống giáo dục mới được triển khai ở Châu Âu và nền học thuật cũ trong hai đề mục: Tân học bình luận và Cổ học bình luận. Ông muốn đem đến cho độc giả những điều mới mẻ của những khái niệm căn bản thuộc về hai hệ thống. về phương Tây qua việc triển khai những khái niệm: văn minh, tiến hóa, xã hội, khoa học, mỹ thuật, tôn giáo v.v..Và về phương Đông, nên nghiên cứu về tam cương, ngũ thường, lục nghệ.

Nam Lê

0 ( 0 bình chọn )

thienvt

https://thienvt.com
thienvt - Founder, coder, ngáo ngơ tại vncrawl.com. Mê code, seo, gái... Thích đủ thứ

    Bài viết liên quan

    Bài viết mới

    Xem thêm